Quý I/2018 chúng ta chứng kiến sự thăng hoa có phần hơi thái quá của TTCK Việt Nam, với việc là thị trường tăng điểm mạnh nhất trên thế giới, kéo theo chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của thị trường cuối tháng 3/2018 lên đến mức gần 22 lần. Đó là mức P/E mà TTCK nước ta trong khoảng 7 năm gần đây chưa từng chạm tới, cao hơn khoảng 20% so với mức định giá trung bình của khu vực ASEAN (xét 4 nước có thị trường tương đồng nhất với nước ta là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippine). Ngay sau đó, TTCK Việt Nam quý 2/2018 lại là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới, nguyên nhân chính được đánh giá là bởi những lo ngại về sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, có lẽ đã có sự phản ứng hơi thái quá của TTCK Việt Nam bởi ngay khi có động thái về vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì chỉ số VN-Index chính là chỉ số giảm mạnh nhất, giảm mạnh hơn so với các quốc gia ASEAN kể trên và tệ hơn cả Trung Quốc, quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi việc này.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích Tập đoàn Maybank Kim Eng Việt Nam đánh giá, TTCK Việt Nam đang có vùng đệm về định giá rẻ hơn 25 – 30% so với trung bình của khu vực. Từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng là thị trường duy nhất trong 4 nước ASEAN kể trên duy trì được sự mua ròng của khối ngoại với giá trị khoảng 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, phần rất lớn lượng tiền này chảy vào các thương vụ IPO. Nếu bóc tách các thương vụ này ra thì chúng ta về đến mức gần như cân bằng giữa mua và bán ròng, vẫn tốt hơn rất nhiều so với mức bán ròng của khối ngoại ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines với mức bán ròng từ 1,3 đến hơn 5 tỷ USD.
TTCK đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung |
Ông Nguyễn Thành Lâm đưa ra 3 dự báo về TTCK cuối năm 2018 với việc lấy vùng đệm ở mức an toàn là 15% so với mức khoảng 25 – 30% nói trên, cụ thể:
Thứ nhất, với kịnh bản trung tính là căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ sẽ có giải pháp trung dung, không đến mức thực thi tất cả những tuyên bố về đánh thuế lên hầu hết các hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc với giá trị hơn 200 tỷ USD và kỳ vọng thị trường khu vực biến động đi ngang thì chỉ số VN-Index ở mức khoảng 1.100 điểm.
Kịch bản xấu nhất là trong tháng 9 chiến tranh thương mại leo thang, thị trường khu vực sẽ chịu tác động lớn, với mức giảm khoảng 30% so với mức hiện tại, trong trường hợp này nhà đầu tư nên sẵn sàng với mức 820 điểm cho TTCK Việt Nam.
Và kịch bản tốt nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung, tình trạng căng thẳng được chấm dứt, thị trường khu vực dự kiến tăng khoảng 20%, VN-Index dự kiến sẽ ở mức 1.300 điểm.
Ông Nguyễn Thành Lâm cho rằng, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ là chìa khóa quyết định cho hiệu quả của các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Bởi trong bối cảnh dòng tiền trong và ngoài nước đang khá hạn hẹp thì nhà đầu tư không thể nào kỳ vọng chuyện “nước lên thuyền lên” cho tất cả các cổ phiếu như giai đoạn 2017 nữa mà độ phân hóa của thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm 2018 rất cao.
Ông Chua Hak Bin, Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard, Kinh tế gia Trưởng của Tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng, điều duy nhất các nhà đầu tư có thể làm bây giờ là tạo cho mình một khả năng linh động hết sức có thể vì chúng ta đang phải đối mặt với tương lai cực kỳ khó đoán nếu như gói thuế đánh trên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc thật sự xảy ra thì có lẽ thị trường sẽ chịu cú sốc khá lớn.
Mai Phương
Nguồn: https://petrotimes.vn/3-kich-ban-cho-thi-truong-chung-khoan-nua-cuoi-nam-2018-511947.html