Đây là đánh giá của Maybank Kim Eng - Ngân hàng đầu tư hàng đầu khu vực Đông Nam Á tại Hội nghị Đầu tư Invest Asean 2018 vừa diễn ra ở Singapore.
Maybank Kim Eng phân tích, tốc độ tăng trưởng bình quân kép hàng năm (Compound Annual Growth Rate – CAGR) của đầu tư từ Trung Quốc vào ASEAN trong giai đoạn từ 2006 đến 2016 đã tăng với mức 45%, từ 1,8 tỷ USD lên 71,6 tỷ USD và trở thành nước đóng góp FDI lớn thứ 3 của ASEAN. Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc cũng tăng 16% từ 2016 đến 2017. ASEAN cũng chiếm thị phần M&A lớn nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 30% tổng đầu tư M&A cho các quốc gia trong nhóm "Một Vành Đai, Một Con Đường" trong giai đoạn 2005-2016.
Cùng với đó, công nghệ mới và đột phá cũng đang thúc đẩy sự thay đổi, biến ASEAN thành thị trường cạnh tranh, tác động mạnh mẽ đối với gần như mọi doanh nghiệp và mở đường cho sự bùng nổ của các startups trong lĩnh vực công nghệ. Nguồn tài trợ cho các startups công nghệ tại ASEAN đã liên tục gia tăng và đặc biệt tăng rất mạnh trong hai năm trở lại đây. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn cổ phần rót vào những doanh nghiệp này đạt khoảng 6,5 tỷ USD, gấp đôi con số 3,1 tỷ USD năm 2016, mặc dù số các thương vụ được thực hiện là thấp hơn.
Ông John Chong, Tổng giám Đốc Maybank Kim Eng tin rằng, môi trường công nghệ trong khu vực ASEAN vẫn còn đang ở giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng mặc dù thị trường còn rất nhiều khó khăn. "Phần lớn các thương vụ về công nghệ của ASEAN trong thời gian vừa qua vẫn đang ở giai đoạn hạt giống và dù thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở ASEAN, tỷ lệ thâm nhập vẫn còn thấp, mới chỉ ở mức 2%-5% so với các thị trường đã thành lập như Trung Quốc (19%), Hàn Quốc (20%) và Hoa Kỳ (10%). Các giao dịch thương mại điện tử của ASEAN có thể sẽ tăng lên theo cấp số nhân nhờ những giải pháp sáng tạo trong thanh toán điện tử và các nền tảng công nghệ mới", ông John Chong cho biết.
Ngành công nghệ khu vực ASEAN cũng ngày càng thu hút nhiều đầu tư M&A của Trung Quốc trong những năm gần đây, phản ánh việc mở rộng nhanh chóng ra nước ngoài của các công ty công nghệ mới nổi của Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của Maybank Kim Eng, lĩnh vực truyền thông, công nghệ thông tin đã thu hút thị phần M&A lớn nhất của Trung Quốc vào các quốc gia BRI trong năm 2016. Các thương vụ M&A nổi tiếng của ASEAN bao gồm Alibaba mua lại nhà cung cấp thương mại điện tử Lazada; JD.com Inc. đầu tư vào thị trường trực tuyến Indonesia; Tokopedia và Tencent đầu tư của vào dịch vụ xe ôm công nghệ Go-Jek của Indonesia.
Ông John Chong cho biết: "Đối với Maybank Kim Eng, sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự đột phá của công nghệ cùng lúc đem đến cho chúng tôi rất nhiều cơ hội mới. Ví dụ, chúng tôi đang tìm cách để có thể cung cấp và mở ra nhiều kênh cho khách hàng của chúng tôi tham gia và hưởng lợi từ sự tăng trưởng này. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc nắm bắt các cơ hội tài chính, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng".
Hội nghị đầu tư Invest ASEAN năm nay quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu trong nhiều lĩnh vực cùng chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về xu hướng địa chính trị, kinh doanh và công nghệ có thể định hình sự phát triển của ASEAN. Hội nghị được tổ chức tại Khách sạn Ritz-Carlton Millenia Singapore và thu hút sự tham dự của hơn 900 đại biểu bao gồm 57 công ty từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Ấn Độ và Hồng Kông; 132 quỹ đầu tư trên toàn cầu với tổng giá trị tài sản quản lý đến 16,3 nghìn tỷ USD đã tham dự Hội nghị.