Tham gia chuỗi hoạt động quảng bá thị trường vốn và các cơ hội đầu tư tài chính vào doanh nghiệp Việt Nam tại London, Vương quốc Anh vừa qua, bà Lê Hồng Liên, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tính minh bạch của các đợt thoái vốn nhà nước gần đây cũng như thực hiện cam kết niêm yết sau cổ phần hóa.
Họ mong muốn cơ chế, chính sách tạo điều kiện để nhà đầu tư ngoại đầu tư sâu hơn vào doanh nghiệp niêm yết.
Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm này có gì mới so với năm trước, thưa bà?
Sau khi tăng trưởng ấn tượng gần 50% của VN-Index với quy mô giao dịch hàng ngày tăng hơn 60% trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư tại Vương quốc Anh và châu Âu.
Vì thị trường đã tăng nhiều, mặt bằng định giá chung không còn rẻ, nên câu hỏi được quan tâm nhất đối với các quỹ đã đầu tư rồi là liệu họ có nên hiện thực hóa lợi nhuận.
Còn đối với các nhà đầu tư chậm chân liệu họ có nên đầu tư tại thời điểm này không, hay chờ điều chỉnh để tham gia. Khác biệt lớn nhất trong nhìn nhận thị trường Việt Nam ở thời điểm này so với năm trước, như vừa nêu, chủ yếu nằm ở câu hỏi liệu thị trường có tăng tiếp hay không chứ không phải liệu thị trường có tăng hay không.
Đại diện của VinaCapital và Maybank Kim Eng, hai đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện quảng bá thị trường vốn và các cơ hội đầu tư tài chính vào doanh nghiệp Việt Nam tại London đều có quan điểm tích cực về thị trường, mặc dù rung lắc trong thời gian sắp tới sẽ có xu hướng tăng lên do thị trường đã tăng mạnh trong thời gian ngắn (đặc biệt từ giữa tháng 11 năm ngoái đến nay).
Dù định giá thị trường không còn rẻ, các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng khá, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khá cao. Thị trường còn được hỗ trợ bởi các kỳ vọng vĩ mô lạc quan trong năm 2018, nợ xấu ngân hàng được cải thiện (nhiều ngân hàng tăng vốn thành công, nâng tỷ lệ an toàn vốn lên mức hợp lý hơn), tỷ giá ổn định tương đối mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có các kế hoạch tăng lãi suất, cũng như một số kỳ vọng về nhiều biện pháp chặt chẽ hơn trong quản lý chi tiêu công, góp phần cải thiện bền vững thâm hụt ngân sách.
Nếu làm được điều này, Việt Nam có cơ hội rất lớn được nâng hạng tín nhiệm, gần hơn với hạng mức đầu tư (investment grade), một trong những tiêu chí của nhiều quỹ lớn, đặc biệt là các quỹ hưu trí.
Một số thương vụ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước lớn thành công vừa qua có làm họ quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam không, thưa bà?
Một số thương vụ cổ phần hóa hay bán thoái vốn nhà nước thành công, điển hình như tại Vinamilk, Sabeco, PV Power... đã làm gia tăng đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài lẫn hành động thực tế rót vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1,18 tỷ USD, chưa kể lượng tiền dành riêng tham gia vào một số đợt phát hành trong đầu năm 2018. Tính đến hết ngày 21/3/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 9.000 tỷ đồng (gần 0,4 tỷ USD).
Con số này chỉ phản ánh hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thực tế, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số tiền góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đầu tư nước ngoài có góp ý gì để tăng khả năng đầu tư ở thị trường Việt Nam?
Các quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng như 2 Sở giao dịch và các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm phát triển thị trường, đưa TTCK Việt Nam tới gần hơn các quỹ. Họ mong muốn việc này tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó có các hội thảo xúc tiến đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp niêm yết, thay vì các doanh nghiệp đi gặp gỡ các nhà đầu tư riêng lẻ.
Đặc biệt, các quỹ mong muốn có cơ chế để nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu rộng hơn trong việc nắm cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết, kể cả chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vì đối với các quỹ đầu tư, họ quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh và muốn được đầu tư gián tiếp, hưởng lợi từ câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam hơn là quyền bỏ phiếu tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, họ mong muốn được rút ngắn thời gian thanh toán, hỗ trợ/đơn giản yêu cầu có sẵn tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán, ví dụ ngân hàng lưu ký của các quỹ có thể cung cấp đảm bảo xác nhận tiền sẽ về tài khoản trong 24 giờ hoặc 48 giờ trước khi chứng khoán về tài khoản.
Những hỗ trợ trong đợt thoái vốn Vinamilk (quy chế đấu giá mới) rất được hoan nghênh. Ví dụ, cung cấp bảo lãnh ngân hàng thay vì phải đặt cọc 10%, hay cấn trừ tiền đặt cọc với tiền thanh toán, đồng ý cung cấp mã số giao dịch sau khi tham gia đấu giá... Họ mong muốn những sự hỗ trợ tương tự sẽ được áp dụng cho chứng khoán niêm yết.
Maybank Kim Eng nhận định gì về dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán ở thời điểm này cũng như xu thế cả năm 2018?
Maybank Kim Eng nhận định, thị trường tăng tích cực, đặc biệt từ giữa tháng 1 năm ngoái tới trước Tết Nguyên đán 2018 được hỗ trợ bởi dòng tiền khá mạnh từ nhiều nguồn. Tiền từ trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài (tổ chức và cá nhân) cũng như kiều hối gửi về (tăng 16% trong năm 2017, đặc biệt đổ dồn vào các tháng cuối năm và tiếp tục tăng trong 2 tháng đầu năm 2018 trước Tết âm lịch). Dòng tiền mạnh, cộng với kinh tế vĩ mô được dự báo khả quan (tăng trưởng GDP quý I/2018 có thể lên tới 7,4%) tiếp tục là động lực hỗ trợ thị trường.
Bên cạnh đó, những thông tin khả quan về việc xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ là thông tin tích cực với thị trường, qua đó tiếp tục thu hút dòng vốn vào Việt Nam. Chúng tôi ước tính, đến cuối năm 2017, VAMC đã xử lý được 27 - 28% nợ xấu đã mua và có thể nâng lên 45 - 50% vào cuối năm nay.
Bà đánh giá thế nào về tác động của dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán dưới tác động của việc FED tăng lãi suất USD?
Việc FED tăng lãi suất chắc chắn có ảnh hưởng tới Việt Nam do độ mở của nền kinh tế đã rất rộng cũng như dòng vốn ngoại tăng lên nhiều hơn trong 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cũng giống như đánh giá về QE tapering (chương trình cắt giảm gói nới lỏng định lượng) mà Maybank Kim Eng đã làm trước đây, Việt Nam sẽ là nước ít bị ảnh hưởng hơn do 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn từ các chính sách của Trung Quốc (như quyết định tăng lãi suất ngày 22/3) do cán cân thương mại lớn giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Thứ hai là dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam trong những năm gần đây, theo chúng tôi quan sát, đến nhiều từ châu Á và châu Âu, hơn là từ Mỹ. Thực tế cũng chứng minh là bất chấp biến động mạnh của giá USD và EUR, đặc biệt trong 2 năm gần đây, dòng tiền vào thị trường Việt Nam phụ thuộc vào các yếu tố nội tại (đang tiếp tục được cải thiện) hơn là các yếu tố bên ngoài.