Những mã "mua là thắng"

StockBiz- 14/11/2016

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, bất chấp xu hướng của thị trường, 2 mã ROS BHN vẫn tăng mạnh trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đây là những CP mà NĐT cứ “mua là thắng”.

Cơn điên ROS

ROS của CTCP Xây dựng Faros chính thức niêm yết trên sàn HOSE đầu tháng 9 với giá tham chiếu 10.500 đồng/CP. Tuy nhiên, tân binh của sàn HOSE đã tạo nên cơn địa chấn trên TTCK với hàng chục phiên tăng kịch trần. Đến phiên giao dịch ngày 8-11, ROS đã chính thức vượt mốc 100.000 đồng/CP. Như vậy, kể từ ngày chào sàn đến nay, ROS tăng gấp 10 lần giá trị ban đầu. Với 430 triệu CP ROS đang niêm yết, tổng giá trị vốn hóa thị trường của ROS tăng vọt từ mức 4.300 tỷ đồng lên hơn 43.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD).

 

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chính thức nộp hồ sơ đăng ký niêm yết CP trên sàn HOSE. Nhiều khả năng, Sabeco cũng sẽ có đợt tăng giá không thua kém so với Habeco bởi thế mạnh về thương hiệu và kết quả kinh doanh vượt trội. 

Hiện vốn hóa của ROS chỉ xếp sau 4 đại gia là: CTCP Sữa Việt Nam ( VNM ), TCTCP Khí Việt Nam ( GAS ), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ( VCB ) và CTCP Tập đoàn Vingroup ( VIC ). Đặc biệt, vốn hóa của ROS đã vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn trên TTCK như: CTCP Tập đoàn Hòa Phát ( HPG ), CTCP Tập đoàn FPT ( FPT ), CTCP Đầu tư Thế giới đi động ( MWG ), CTCP Tập đoàn Masan ( MSN ), CTCP Tập đoàn Bảo Việt ( BVH ), Ngân hàng TMCP Quân đội ( MBB ), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín ( STB ) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( EIB ).

 

Người hưởng lợi nhất khi ROS tăng giá khủng chính là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC ( FLC ). Theo thống kê, ông Quyết hiện đang nắm giữ 279,5 triệu CP ROS với giá trị khoảng 27.950 tỷ đồng (tương đương 1,27 tỷ USD). Cuối năm 2015, ông Quyết còn đứng ở vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam với 972 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tháng ông Quyết đã trở thành tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam và nghiễm nhiên nhảy lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK. Người đang nắm giữ vị trí số 1 là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT VIC . Theo thống kê, chỉ cần ROS tăng thêm vài phiên nữa ông Quyết sẽ thế chân ông Vượng ở vị trí số 1 của bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam.

Mức tăng kinh khủng trong thời gian ngắn của ROS khiến giới đầu tư ví von hiện tượng này là “cơn điên ROS ”, bởi không ai có thể giải thích chính xác về hiện tượng này. Được biết, ROS là đơn vị triển khai nhiều dự án bất động sản của FLC và hiện là tổng thầu xây dựng của hàng loạt dự án lớn, với quy mô các dự án ở mức trên 20.000 tỷ đồng. Ngoài mảng kinh doanh chính là nhà thầu xây dựng, ROS cũng là NĐT cho một số dự án, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng (dự kiến sẽ đưa vào khai thác năm 2018).

Theo tính toán, lợi nhuận ROS giai đoạn 2016-2018 đạt lần lượt 490 tỷ đồng, 624 tỷ đồng và 663 tỷ đồng. Theo BCTC quý III-2016 vừa được ROS công bố, doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 75,5% (tương đương 432,3 tỷ đồng) và 59,2% (tương đương 78,7 tỷ đồng). Giải trình về kết quả kinh doanh này, ông Đỗ Như Tuấn, Tổng giám đốc ROS , cho biết nguyên nhân gia tăng doanh thu trong quý III do công ty mẹ và các công ty con đã thi công và ký được hồ sơ xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành của một số dự án có giá trị lớn. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động thương mại và kinh doanh hàng hóa của quý III cũng tăng so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu tăng kéo theo sự gia tăng về lợi nhuận.

Cơn khát BHN và CP bia

Sau 8 năm ròng rã đợi chờ của NĐT, ngày 28-10 vừa qua, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã chính thức đưa CP lên niêm yết trên TTCK với mã BHN . Ngay khi góp mặt trên sàn UPCoM, BHN nhanh chóng rơi vào tình trạng “cháy hàng” trước lực cầu rất lớn từ NĐT, trong khi phía nắm giữ lại không muốn bán ra. Từ mức giá tham chiếu 39.000 đồng/CP trong phiên chào sàn 28-10, đến phiên giao dịch ngày 8-11, BHN tăng lên mức 144.700 đồng/CP. Như vậy, chỉ sau 9 phiên giao dịch BHN đã ghi nhận mức tăng trong mơ 271%.

Ngoài những cổ đông đang nắm giữ CP BHN , Bộ Công Thương là NĐT hưởng lợi lớn nhất từ sự tăng giá của BHN . Thống kê cho thấy Bộ Công Thương hiện đang nắm giữ 189 triệu CP BHN , tương đương 27.348 tỷ đồng. So với giá trị đầu tư ban đầu 10.000 đồng/cổ phần (tương đương 1.890 tỷ đồng), nếu thoái vốn khỏi Habeco ở thời điểm hiện nay Bộ Công Thương sẽ lãi 25.458 tỷ đồng.

Việc BHN được NĐT săn đón nhờ dự báo về triển vọng khả quan của ngành bia. Theo nghiên cứu vừa được công ty chuyên về nghiên cứu thị trường Nielsen công bố, tốc độ tăng trưởng của ngành đồ uống nói chung tại Việt Nam đang có sự chững lại. Tuy vậy, nếu xét riêng về bia đây vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với ngành giải khát nói chung. Trong quý III-2016, mặc dù tăng trưởng ngành bia đã có phần chậm lại nhưng vẫn ở mức khá cao với 9,2%. Riêng trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia và là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 thế giới.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nhóm CP bia còn lại trên thị trường bật tăng mạnh khi NĐT chuyển sang săn CP của các doanh nghiệp như: CTCP Thương mại Bia Hà Nội ( HAT ), CTCP Bia Hà Nội - Hải Phòng ( BHP ), CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây ( WSB ), CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung ( SMB ) và CTCP Nước giải khát Chương Dương ( SCD ). Cụ thể, nếu lấy mốc từ phiên giao dịch 28-10 đến 8-11, BHP tăng 140,7%, HAT tăng 35,5%, WSB tăng 60,7%, SMB tăng 41%, SCD tăng 25,6%.

 

Hải Hồ

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015