Nhìn từ câu chuyện VNM: Nới room, tin ra rồi sao nữa?

StockBiz- 10/08/2016

Mở room là câu chuyện mà nhiều NĐT trong nước cũng như khối ngoại kỳ vọng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, thông tin nới room vẫn chỉ là một nửa của câu chuyện.

 Từ câu chuyện nới room cho ngân hàng

Nới room là câu chuyện nóng và được giới đầu tư chờ đợi từ năm 2015, tuy nhiên khi mà nghị định 60 của Chính phủ đồng ý cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nới room thì vẫn chưa có nhiều chuyển biến về chất.

 

Ví dụ điển hình nhất cho nhận định trên là ở lĩnh vực ngân hàng. Việc nới room cho nhóm ngân hàng được cho là rất cần thiết vì bên cạnh việc được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn vốn ngoại, nhóm ngân hàng trong nước còn được hưởng công nghệ hiện đại và cách quản trị tiên tiến trên thế giới khi mà các tổ chức, các định chế tài chính lớn nước ngoài tham gia vào quá trình điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, dù một số ngân hàng được cho nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài đi chăng nữa thì việc tiếp cận với nhóm nhà đầu tư này cũng không hề dễ dàng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc nới room ngân hàng cũng như việc thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa được thuận lợi. Tuy nhiên có 2 yếu tố quan trọng chính là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và sức khỏe của các ngân hàng ở Việt Nam. Hiện ngân hàng nhà nước chỉ cho phép khối ngoại sở hữu tối đa 49% vốn của 1 ngân hàng. Trong khi đó, khi khối ngoại muốn đầu tư vào một ngân hàng điều đầu tiên họ nhắm đến là nợ xấu và chất lượng tài sản, tỷ lệ bán nợ xấu cho VAMC. Và những điều này ở các ngân hàng ở Việt Nam là vô cùng “phức tạp”.

Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank cũng đang xin Ngân hàng Nhà nước nới room lên lần lượt là 35% và 40%. Nếu những đề xuất này được ngân hàng nhà nước chấp thuận thì rất có thể lĩnh vực ngân hàng sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói rằng, họ vẫn chưa thấy thực sự hấp dẫn đối với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là vì tỷ lệ sở hữu tối đa hiện chỉ cho phép đến 30%.

Mặc dù vậy, như trên đã có đề cập không phải ngân hàng nào cũng có thể thu hút được nguồn lực từ tài chính, công nghệ cho đến vấn đề quản trị của các đối tác nước ngoài mà ở đó nhà đầu tư nước ngoài họ phải nhìn thấy được năng lực tài chính thực sự, vấn đề nợ xấu cho đến tài sản của ngân hàng mà họ đầu tư. Vì vậy, có thể nói việc nới room cũng đang còn nhiều việc phải làm đối với nhóm ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp niêm yết

Thị trường bùng nổ là điều dễ hiểu khi mà nguồn vốn ngoại tham gia một cách sâu hơn và tích cực hơn khi việc nới room cho khối ngoại đối với các doanh nghiệp niêm yết được mở lên mức tối đa là 100%. Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi về việc được Chính phủ cho phép nới room lên mức tối đa như vậy nhằm tìm kiếm đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực về vốn, về quản trị và vấn đề công nghệ.

Thông tin mở room tối đa này sẽ có tác động nhất thời trong một giai đoạn ngắn tạo động lực và tâm lý tốt đối với nhà đầu tư trong nước khiến cho thị trường có thể bùng nổ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn một chút có thể thấy rằng, những động lực này cũng có thể nhanh chóng kết thúc nếu những thông tin mở room không sớm đi vào thực tế.

Để hiểu rõ về việc nới room cho khối ngoại chúng tôi lấy một vài điển hình để nhà đầu tư có cách nhìn rõ hơn về việc thoái vốn của nhà nước, cũng như việc bán cổ phần của các doanh nghiệp không có yếu tố nhà nước làm cơ sở để hiểu về bản chất cũng như sự tác động của việc nới room này.

Trước hết là đối với cổ phiếu có cổ phần nhà nước chi phối là VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

VNM đã được đồng ý thông qua việc nới room cho nhà đầu tư ngoại lên đến 100% nhưng với cổ phần của Nhà nước chiếm tới hơn 45% tại VNM thì việc nới này có thực hiện được và khi nào thì thực hiện? Đây là câu hỏi mà hiện các nhà hoạch định chính sách cũng như Hội đồng quản trị của (HĐQT) VNM cũng chưa thể đưa ra ngay được các quyết định cần thiết. Việc thoái vốn cho khối ngoại của VNM mới chỉ là chủ trương và cho phép, còn việc đàm phán với đối tác và giá bán cổ phần và bán với tỷ lệ như thế nào lại là câu chuyện khá dài.

Như đã biết, việc HĐQT của VNM không quyết định được các lộ trình thoái vốn, mà lộ trình thoái vốn và thoái cho đối tác nào, tỷ lệ và giá thoái cổ phần là do SCIC, Bộ tài chính và Chính phủ quyết định. Việc nới room cho nước ngoài ở giai đoạn hiện tại chỉ giúp cho nhà đầu tư trong nước bán cổ phần VNM với giá tốt nhất.

Về vấn đề thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước nói chung và đặc biệt là cổ phiếu VNM nói riêng đến nay vẫn là câu chuyện bỏ ngỏ khi mà Chính phủ đã đồng ý cho phép nước ngoài được sở hữu mức tối đa là 100%; ngoài ra từ tháng 10 năm ngoái Chính phủ cũng đã giao cho SCIC chọn thời gian thích hợp và lựa chọn đối tác để thoái phần vốn khá lớn tại doanh nghiệp này. Vậy tại sao đến thời điểm hiện tại khi mà các cơ sở pháp lý đã cho phép thực hiện việc thoái vốn tại không chỉ VNM mà còn ở 9 đơn vị khác trên sàn giao dịch vẫn đứng im tại chỗ? Và ai sẽ được hưởng lợi từ việc thoái vốn này, nhà nước hay doanh nghiệp cũng vẫn đang chưa có câu trả lời?

Tiếp theo chúng tôi lấy thêm một điển hình về cổ phần của công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC-hose). Hiện cổ phần của Nhà nước đang chiếm đến hơn 34,7% tổng số vốn tại công ty này. Với việc DMC được đồng ý cho nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa lên 100% vốn đã được thông qua trong đại hội đồng cổ đông công ty ngày 23/04/2016.

Với thông tin về việc nâng tỷ lệ cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại DMC thì giá cổ phiếu này liên tục tăng trường tốt trong giai đoạn vừa qua. Từ đầu năm nay giá của DMC xoay quanh vùng 40.000 đ-41.000 đồng/cp với thanh khoản từ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên thì đến nay sau 2 đợt chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10:3 và chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt cổ phiếu DMC hiện có mức giá 73.500 đồng/cp, tăng trưởng về giá hơn 80%.

Như vậy có thể thấy việc nới room cho khối ngoại có tác động rất tích cực không chỉ đối với sự phát triển của doanh nghiệp mà còn có tác động lớn đến sự tăng trưởng của giá cổ phiếu trên sàn giao dịch. Qua đó, nâng tầm của thị trường vốn lên một mốc mới cao hơn, có tác động đến tâm lý nhà đầu tư một cách tích cực nhằm tạo ra lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn và cũng qua đó giúp cho nhiều doanh nghiệp thu hút được lượng vốn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc công bố thông tin nới room có lẽ cũng chỉ là một nửa vấn đề. Bởi bên cạnh thông tin nới room, chắc chắn các nhà đầu tư cũng cần những thông tin rõ ràng hơn về lộ trình thoái vốn, tỉ lệ thoái vốn của các cổ đông nhà nước.

Như vậy, sau khi được nới room lên mức tối đa cùng với việc đàm phán TPP được hoàn tất, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại. Chọn thời điểm và có lộ trình rõ ràng ở giai đoạn hiện tại khi mà pháp lý đã sẵn sàng không còn là quá sớm. Cơ hội để thoái vốn đối với VNM và 9 doanh nghiệp niêm yết trên Hose và Hnx với giá cao để thu lại nguồn tiền lớn cho Nhà nước sẽ trở thành hiện thực và các đơn vị liên quan như SCIC cần phải sớm vào cuộc, để tránh việc đánh mất cơ hội để rồi thốt lên hai từ” nếu như”!


Phạm Tuyến

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.


 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015