“Nếu có trên 1 tỷ đồng, tôi sẽ đầu tư ETF thế nào?”

StockBiz- 27/10/2014

Đó là câu hỏi của nhà đầu tư đặt ra cho Ban lãnh đạo Công ty quản lý quỹ SSIAM – đơn vị quản lý quỹ ETF đầu tiên mô phỏng theo chỉ số HNX30.

Sáng hôm qua (23/10), công ty quản lý quỹ SSIAM đã chính thức ra mắt quỹ ETF SSIAM HNX30 mô phỏng theo chỉ số HNX30. Dưới đây là các câu hỏi của NĐT và câu trả lời của lãnh đạo bộ ban ngành xoay quanh việc giao dịch ETF.

Được biết chiến lược đầu tư của SSIAM HNX30 là đầu tư thụ động nhưng có thời điểm ETF này mô phỏng toàn phần hoặc một phần chỉ số HNX30, xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Phan Dũng, phó TGĐ SSIAM: Về cơ bản chiến lược đầu tư của quỹ SSIAM HNX30 là đầu tư thụ động để đảm bảo được tỷ lệ sai lệch thấp nhất (tracking error) và bám sát chỉ số tham chiếu tốt nhất. Trong trường hợp mua mô phỏng toàn bộ chỉ số HNX30 nhưng yếu tố thanh khoản không được đảm bảo thì quỹ sẽ mô phỏng 1 phần, tức là chúng tôi không mua hết 30 mã cổ phiếu trong danh mục HNX30 mà có thể chỉ là 25 mã, 26 mã. Tỷ lệ phân bổ có thể phải khác lệch đi so với rổ tham chiếu HNX30 và tỷ lệ tiền phát sinh dư do việc không mô phỏng toàn bộ thì chúng tôi có quy tắc, công thức nhất định để phân bổ số tiền này vào các mã cổ phiếu đã có trong danh mục để tracking error thấp nhất.

Hiện tại đã có quỹ ETF của VFM dựa trên chỉ số VN30 ra đời nhưng thực tế cho thấy thanh khoản của ETF này trên thị trường thứ cấp không như kỳ vọng, NĐT không tham gia nhiều vậy nguyên nhân do đâu? Thời gian tới cơ quan quản lý có biện pháp như thế nào tăng tính hấp dẫn của ETF nội?

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó TGĐ SSIAM: Loại hình ETF là một sản phẩm mới, không chỉ mới với các NĐT mà còn mới với các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ, sở giao dịch, VSD, công ty quản lý quỹ, các thành viên thị trường. Theo kinh nghiệm quốc tế để một sản phẩm phát triển ổn định cần 5 năm – 7 năm, nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì không gặt hái thành quả của ETF. Do đó có ETF đầu tiên đã là thành công, điều này khiến NĐT, thành viên thị trường nhận thức thêm về tính ưu việt của ETF.

Tôi cho rằng mục tiêu của NĐT khi đầu tư vào ETF là bám sát chỉ số sinh lời, nếu chỉ số tăng thì lợi nhuận của quỹ tăng, nếu chỉ số giảm thì lợi nhuận của quỹ giảm. Ngoài ra, tính thanh khoản của ETF còn phụ thuộc vào các tổ chức cung cấp dịch vụ, hiện AP chỉ được giao dịch arbitrage – xảy ra khi có sự chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ và NAV. Trong khi đó, một yếu tố tăng tính thanh khoản của ETF là nhà tạo lập thị trường thì VN chưa có.

Hiện chúng ta chưa có nghiệp vụ phái sinh nên chưa có nhà tạo lập thị trường, trung gian cầu nối bên bán và bên mua để tăng tính thanh khoản cho ETF. Chúng tôi kỳ vọng nếu thị trường phái sinh hình thành và phát triển có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho quỹ ETF để tạo thanh khoản, cùng sự nhận thức ngày càng cao hơn của NĐT hiểu hơn về ETF thì tính thanh khoản và giá trị tài sản ròng của quỹ sẽ tăng lên theo thời gian.

Theo đại diện của Trung Tâm lưu ký và Sở Giao dịch CTCK, hạ tầng của chúng ta có đáp ứng được nghiệp vụ arbitrage và các giao dịch của ETF không?

Đại diện VSD: Arbitrage là kỹ thuật giao dịch, không phải chức năng của trung tâm lưu ký theo đó NĐT theo dõi diễn biến giá trên thị trường để quyết định đầu tư có lợi nhất.

Giao dịch arbit chia làm 2 giai đoạn bán trên thứ cấp và sau đó thực hiện hoán đổi trên sơ cấp. Hiện tại Trung tâm lưu ký đã hoàn thiện đầy đủ hạ tầng để đáp ứng nhu cầu giao dịch và thanh toán trên sơ cấp, sẵn sàng triển khai hoán đổi sơ cấp thành công. Về cơ chế thanh toán phục vụ giao dịch arbit, có kỹ thuật lưu ý đó là theo quy định hiện nay cho phép các AP được bán chứng chỉ quỹ ETF, hoặc danh mục chứng khoán cơ cấu trên thị trường thứ cấp khi chưa đủ chứng khoán cơ cấu hoặc ETF trên tài khoản. Trường hợp này chỉ chấp thuận trong trường hợp AP thiếu ETF vào ngày giao dịch bán chứng khoán ETF trên thị trường nhưng đã xác nhận việc thực hiện hoán đổi trên sơ cấp để đảm bảo ETF hoặc chứng khoán cơ cấu sẽ về trên tài khoản AP trước 1 ngày thanh toán trên thị trường thứ cấp. Các trường hợp khác bị coi là bán thiếu chứng khoán và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Phong: Sở GDCK Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ cho ETF đầu tiên niêm yết, về các nghĩa vụ pháp lý trên cơ sở quy định thì Sở đã ban hành quy chế 383 về quản lý giao dịch ETF tại HNX. Quy chế này đã quy định tương đối kỹ các nội dung công bố thông tin, quản lý các CTCK tham gia giao dịch ETF, các quy trình giám sát.. Về hệ thống Sở đã test 2 lần cho các CTCK và một số quỹ, hệ thống giao dịch, thông tin và hệ thống giám sát đã hoàn thành và dự kiến sắp tới trước khi ETF niêm yết sẽ test 1 lần nữa để chính thức vận hành. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền tổ chức nhiều khóa đào tạo cho NĐT tại Sở GDCK Hà Nội.

Ngoài SSIAM ra Sở đã nhận thêm được bộ hồ sơ nào chưa thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Phong: Hiện nay chưa có công ty QLQ nào chính thức nộp hồ sơ track HNX nhưng một số các quỹ đã làm việc với HNX để tiến hành xây dựng quỹ ETF.

Các công ty QLQ chỉ được lập quỹ ETF dựa trên các chỉ số của Sở (như HNX30, VN30..) hay họ có thể lập ra bộ chỉ số riêng thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Phong: Hiện nay theo quy định thông tư 220, các quỹ ETF chỉ được mô phỏng theo chỉ số do các Sở GDCK xây dựng, tuy nhiên hiện nay các Sở có nhiều chỉ số như chỉ số ngành, chỉ số quy mô (HNX largecap, HNX midcap, HNXsmall cap…) Tiến tới đây Sở Hà Nội có chỉ số về tổng thu nhập và quản trị doanh nghiệp, sở cũng phối hợp với các quỹ xây dựng các bộ chỉ số đặc thù cho từng quỹ trên cơ sở đó các công ty QLQ phát hành chứng chỉ mô phỏng theo.

Các nhà đầu tư cá nhân có làm AP được không thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Theo quy định thì các NĐT cá nhân không được làm AP, AP chỉ dành cho CTCK và ngân hàng lưu ký, chức năng của AP đóng vai trò làm trung gian nhận lệnh và chuyển lệnh giữa NĐT đến công ty quản lý quỹ, thứ 2 là nghiệp vụ tự doanh để đầu tư, như vậy cá nhân không được làm AP.

Nếu tôi có 1 tỷ và tôi muốn giao dịch ETF trên thị trường sơ cấp có được không?

NĐT có thể làm giao dịch sơ cấp, hoán đổi trực tiếp với quỹ đặt lệnh thông qua AP và đại lý phân phối, AP sẽ chuyển lệnh NĐT cá nhân có thể mua 1 lô ccq (100.000 ccq) cho công ty QLQ.

SSIAM có bị giới hạn trong việc thu hút vốn không thưa ông? Nếu giả sử quỹ huy động được số lượng tiền lên 100 triệu USD, chỉ 1% của quỹ cũng lớn hơn vốn điều lệ của một công ty trong rổ HNX30 thì quỹ sẽ giải ngân như thế nào?

Ông Nguyễn Khắc Hải (cười): Nếu sau này giá trị tài sản ròng tăng lên rất lớn thì chúng tôi cũng kỳ vọng vào việc này, chúng ta có thể giải ngân vào một công ty hay không? Tôi nghĩ đây là câu chuyện con gà quả trứng, quy mô hiện tại thì size quản lý phù hợp với quy mô TTCK nói chung, nếu quy mô quỹ tăng lên 100 triệu thì TTCK sẽ tăng lên tương ứng, các cổ phiếu trong rổ sẽ đáp ứng về thanh khoản và market cap.

Ông Nguyễn Anh Phong: Về nguyên tắc tính toán lựa chọn bộ chỉ số, chúng tôi có tính toán để tránh sự ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn, từng cổ phiếu trong rổ có tỷ lệ nhất định, với các công ty có market cap thấp thì tỷ lệ tham giá rổ rất thấp, quỹ mô phỏng toàn bộ hoặc đầu tư thụ động, tỷ lệ mua các cổ phiếu nhỏ sẽ thấp sẽ thấp hơn các cổ phiếu có market cap cao. Định kỳ review nếu cổ phiếu nào thanh khoản quá thấp sẽ bị loại để các cổ phiếu thanh khoản tốt hơn vào thay thế.

Xin cảm ơn ông.

 

Phương Mai

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015