Ép cổ đông nhận cổ phiếu thưởng
Chứng khoán mất cân bằng, thị trường sụt giảm, nhiều nhà đầu tư (NĐT) từng sợ phải nhận cổ phiếu thưởng.

Chứng khoán mất cân bằng, thị trường sụt giảm, nhiều nhà đầu tư (NĐT) từng sợ phải nhận cổ phiếu thưởng.

Vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, nên vẫn muốn theo đuổi phương án phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá hoặc cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, thuật ngữ này được lách bằng tăng nguồn vốn chủ sở hữu, làm nhiều NĐT mất vui và không hưởng ứng.

Trước đây, thị trường phát triển ổn định đi lên, NĐT mua cổ phiếu với mục đích lâu dài, như lo cho con đi học, làm tài sản, chuẩn bị khi nghỉ hưu... vẫn thích nhận cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu. Họ lý giải việc chia cổ tức bằng tiền, xài cũng hết, chia bằng cổ phiếu không bán, sau vài năm tài sản lớn dần, đủ lo cho con ăn học...

Cho nên một số doanh nghiệp lạm dụng chuyện chia cổ phiếu để kích giá, sử dụng hết thặng dư vốn. Tuy nhiên, khi thị trường ảm đạm, việc tăng vốn ồ ạt như thế có thể dẫn đến hiệu ứng ngược, khiến doanh nghiệp và cổ đông đều bị thiệt khi việc thưởng và phát hành thêm cổ phiếu không còn hấp dẫn nữa.

Tăng vốn ồ ạt

Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu thưởng, chào bán cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược… Một số doanh nghiệp công bố mức cổ phiếu thưởng rất lớn 100%: mua 1 tặng 1 như: SRF, DVP, TCT, HLD, SD5, HGM, LIX. Đây là những doanh nghiệp thực sự có vốn thặng dư cao, làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, nên mạnh dạn tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh ổn định nhằm thuyết phục NĐT nắm giữ cổ phiếu để đẩy mạnh phát triển. Ví dụ nhự HLD kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, làm ăn kinh doanh vẫn lãi hơn 34 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nên dễ dàng thuyết phục NĐT.

Còn CNG là cổ phiếu dầu khí khá tốt trên sàn. Vốn điều lệ hơn 200 tỷ đồng, nhưng vẫn muốn tăng vốn lên gấp đôi. Riêng cổ phiếu TCT luôn có thị giá rất cao, lợi nhuận tốt nên cổ đông thích nắm giữ.

Sắp tới, SGH cũng sẽ trình đại hội cổ đông bất thường để tăng vốn điều lệ từ 17,66 tỷ đồng lên 35,33 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận để lại và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Số lượng cổ phiếu phát hành là 1.766.300 cổ phiếu. Cổ tức năm 2011 của SCJ giờ mới được HĐQT thông qua chủ trương trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 90%. Vậy là, nếu chủ trương này được thực hiện, vốn điều lệ của công ty cũng tăng gấp đôi.

Có thể rơi vào khủng hoảng

Một khi TTCK tăng cao, những cổ phiếu thưởng như thế này luôn được NĐT hào hứng đón nhận, giá cổ phiếu thường được đẩy lên rất cao. Trong xu hướng lình xình kéo dài, nhiều NĐT chán ngán từ bỏ chứng khoán, nên rất sợ phải nhận thêm cổ phiếu không tốn tiền. Cổ phiếu sẽ nhiều hơn, nhưng bị pha loãng, nên giá trị sụt giảm, chưa biết bao giờ mới trở lại mức hiện tại, nên họ sẽ bán để nắm giữ tiền mặt.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều doanh nghiệp đưa tin thưởng cổ phiếu khủng và phát hành thêm khiến thị trường hoảng loạn. Bởi ngoài những doanh nghiệp thưởng bằng vốn thặng dư thì cũng có những đơn vị khác làm ăn sa sút, kinh doanh thua lỗ cũng phát hành thêm để huy động vốn với danh sách kéo dài.

Điều đáng nói là những cổ phiếu đang có mệnh giá rất thấp, nhưng vẫn "can đảm" phát hành thêm khiến cổ đông bị bội thực. Danh sách cổ phiếu sẽ thực hiện quyền mua cổ phiếu trong tháng 9 với tỷ lệ 1:1 gồm có: KSA, BHS, AGF, HLC, LGC, OCH, NBB và TS4…

Ngoài những doanh nghiệp đã chốt quyền, sắp chốt quyền, còn có kế hoạch hàng loạt doanh nghiệp khác đang đệ trình cổ đông xin tăng vốn điều lệ như SD6, PSD, ITQ, DXG, NLG... Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn nữa, số lượng lớn cổ phiếu phát hành thêm sẽ chính thức ồ ạt được niêm yết bổ sung trên thị trường.

Thanh khoản TTCK hiện đang ở mức cực thấp. Cho nên cổ phiếu thưởng, phát hành thêm không còn hấp dẫn như trước mà đôi khi trở thành gánh nặng, nỗi sợ hãi của NĐT. Việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ khiến nguồn cung hàng trên thị trường ngày càng nhiều thêm nhưng sức hấp thụ không có. Lượng hàng tăng mạnh nhưng chất lượng giảm là điều khiến thị trường lo lắng nhất.

Các chuyên gia cho rằng nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt mà phát hành ồ ạt như thế thì quả thật là thiếu tỉnh táo và không hợp thời. Trong lúc khó khăn, NĐT cố gắng nắm giữ để muốn chia cổ tức bằng tiền mặt chứ không phải tăng vốn bằng mọi giá để rồi ép cổ đông phải nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Cổ phiếu mà NĐT sở hữu tăng gấp đôi nhưng quy ra giá trị không thay đổi.

Trong một giai đoạn kinh doanh có nhiều rủi ro như hiện nay, không ai có thể chắc chắn được điều gì cả. Trên sàn chứng khoán, phần lớn NĐT lướt sóng đều chê cổ phiếu bị pha loãng giá khi có thông tin về chia cổ tức hay thưởng bằng cổ phiếu. Điều đó dẫn đến rủi ro cho cả doanh nghiệp và cổ đông bị thiệt thuộc nhiều hơn vì họ ở thế bị động.

Đó là một trong những lý do khiến giới đầu tư lướt sóng luôn chê cổ phiếu thưởng. Hơn nữa, từ thời điểm công bố chia thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu đến ngày chốt danh sách hoặc trả cổ phiếu là vài tháng, có khi giá giảm mạnh nếu thị trường xấu như hiện nay.

Theo Sơn Long

Thời báo kinh doanh