Tiêu dùng, nông nghiệp, phân phối, bán lẻ hút vốn ngoại
Bất chấp thị trường ảm đạm và nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành cơ cấu lại danh mục đầu tư, vẫn có một số nhóm cổ phiếu được ưu tiên mua và nắm giữ.

 Đó là cổ phiếu thuộc lĩnh vực nào?

Ngành tiêu dùng

Trong hầu hết các phân tích từ trước đến nay, giới chuyên gia và nhà đầu tư cả trong và ngoài nước luôn dành cho ngành tiêu dùng sự đánh giá và lựa chọn ưu ái. Lý do vì đây là ngành thiết yếu, ít bị tác động bởi chu kỳ kinh tế.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực đồ uống, ngành sữa rất được ưa chuộng, vì có tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 1996 - 2006, mức tăng trưởng bình quân của ngành đạt 15,2%/năm. Tiềm năng thị trường sữa vẫn còn rất lớn, do tiêu dùng sữa bình quân của Việt Nam chưa cao. Bằng chứng là, CTCP Sữa Việt Nam (VNM), DN nắm gần 40% thị phần sữa đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD doanh thu. Một đơn vị mạnh trong lĩnh vực sữa đậu nành là VinaSoy cũng ghi nhận doanh thu 1.200 tỷ đồng năm 2011 và ước đạt 2.000 tỷ đồng trong năm nay.

Không chỉ giàu tiềm năng về thị trường, ngành sữa còn có tỷ suất sinh lời lớn. Nếu giai đoạn 2006 - 2011, VNM ghi nhận tăng trưởng doanh thu bình quân 29%/năm, thì tăng trưởng về lợi nhuận tại doanh nghiệp này đạt 50%/năm.

Vì sự hấp dẫn này, mà cổ phiếu VNM đã tăng gấp rưỡi trong năm 2011 và luôn giữ phong độ ổn định, bất chấp thị trường chứng khoán liên tục biến động. Nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn tìm cách duy trì nắm giữ cổ phiếu VNM ở mức tối đa 49% cho phép, cũng như sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường để tham gia các đợt phát hành riêng lẻ của VNM.

Tương tự, cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, công ty chuyên sản xuất các loại mỳ ăn liền và nước mắm, nước tương, tương ớt cũng được nhà đầu tư săn lùng ráo riết.

Ngành phân phối, bán lẻ

Ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Phát triển khách hàng tổ chức - khối dịch vụ chứng khoán (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nhóm ngành phân phối, bán lẻ. Nguyên nhân là, kinh doanh ngành này ít bị chôn vốn. Ngoài ra, DN bán lẻ thường có đặc thù chung là trả chậm cho nhà cung cấp. Hơn nữa, DN chuyên phân phối, bán lẻ có triển vọng tăng trưởng ổn định, phù hợp với quan điểm đầu tư dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử, FPT là DN mạnh trong phân phối bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin, điện thoại di động. Khoảng 60% tổng doanh thu của FPT đến từ mảng này và cũng như VNM, nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm cách gom hết cổ phiếu FPT trong giới hạn được phép.

Ngành nông nghiệp

Trong danh sách các cổ phiếu được chọn, khối nhà đầu tư nước ngoài thường chú ý đến cổ phiếu ngành nông nghiệp, đặc biệt là nhóm cổ phiếu hoạt động trong lĩnh vực phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng. Bởi đây là ngành đã và tiếp tục có nhu cầu cao, có tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.

Hiện tại, Đạm Phú Mỹ (DPM) là DN nắm thị phần đứng đầu cả nước về sản xuất, kinh doanh phân bón. Kinh doanh hiệu quả, lại là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, nên DPM là cổ phiếu được khối ngoại tích cực giao dịch và nằm trong rổ tính của các quỹ đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang duy trì tỷ lệ sở hữu khá cao, 25 - 35% vốn ở các DN như CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC). Đây đều là những DN đã đạt trên 50% kế hoạch kinh doanh cả năm chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012.

Theo Ngọc Thủy

Báo Đầu tư