CTCK: Tiếp tục lỗ thì "cắt" margin
Tính đến thời điểm này, UBCKNN đã cấp phép cho 37 CTCK được giao dịch ký quỹ trong đó có 18 CTCK đang niêm yết trên sàn như CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Hồ Chí Minh (HSC), CTCK VNDirect... Một số công ty niêm yết hiện vẫn chưa được giao dịch ký quỹ như CK Bảo Việt (BVSC), CK Hòa Bình (HBS), Chứng khoán SME, chứng khoán Tràng An (TAS)…

Tính đến thời điểm này, UBCKNN đã cấp phép cho 37 CTCK được giao dịch ký quỹ trong đó có 18 CTCK đang niêm yết trên sàn như CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Hồ Chí Minh (HSC), CTCK VNDirect... Một số công ty niêm yết hiện vẫn chưa được giao dịch ký quỹ như CK Bảo Việt (BVSC), CK Hòa Bình (HBS), Chứng khoán SME, chứng khoán Tràng An (TAS)…

Lỗ nhiều thì “cắt” margin

Theo quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ của UBCKNN, đối với công ty chứng khoán, để được phép thực hiện giao dịch ký quỹ, doanh nghiệp phải đảm bảo không có lỗ lũy kế quá 50% vốn điều lệ tại báo cáo tài chính có kiểm toán gần nhất, có tổng nợ không vượt quá 6 lần vốn chủ sở hữu, tỷ lệ vốn khả dụng lớn hơn 150% trong vòng 3 tháng gần nhất.

Các CTCK không đảm bảo duy trì một trong các điều kiện quy định phải ngừng ngay việc ký mới Hợp đồng margin và ngưng cho vay vốn.

Vấn đề lo ngại nhất là khoản lỗ lũy kế. Nếu xét về tỷ lệ lỗ lũy kế trên vốn điều lệ, trong số 37 CTCK được phép giao dịch ký quỹ, có một số công ty đang ở tình trạng bấp bênh ngưỡng cho phép như SHS, AVS, SVS (số liệu 30/9/2011 lỗ lũy kế chiếm 37-38% vốn điều lệ), Chứng khoán Eurocapital (số liệu đến 30/6/2011 lỗ lũy kế bằng 41,3% vốn điều lệ), Ck KIS Việt Nam (đổi tên từ Ck Gia Quyền), CK Sen Vàng (tính tại thời điểm cuối năm 2010, lỗ lũy kế đã chiếm hơn 30% vốn điều lệ).

Nếu tiếp tục lỗ trong quý 4/2011, nhiều khả năng các công ty trên sẽ không được phép giao dịch ký quỹ và điều này là cái kết được dự báo trước.

Tính đến thời điểm ngày 26/12, năm 2011, VN-Index giảm 27%, HNX-Index giảm gần 50%; tính riêng quý 4/2011, VN-Index giảm 18%, HNX-Index giảm 20%. Việc HNX-Index liên tục phá đáy xuống mức thấp nhất trong lịch sử và VN-Index xuống mức thấp nhất trong năm 2011 sẽ khiến các CTCK tiếp tục trích lập dự phòng đối với các khoản tự doanh. Còn đối với nghiệp vụ môi giới, KLGD hai tháng cuối năm có phần cải thiện chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận của các bluechips, song mức tăng không đáng kể do đó doanh thu môi giới cũng khó tăng mạnh.

Chưa phải thời điểm sử dụng margin

Khảo sát tình hình giao dịch ký quỹ tại các CTCK, hiện tại phí vay margin khoảng 0,055%-0,065%/ngày, tương đương khoảng 20-23%/năm. Phí vay margin cuối năm đã giảm khá mạnh so với thời điểm tháng 5-6 khi một số CTCK thời điểm đó tăng lãi suất cho vay margin lên từ 24-26%/năm.

Tuy nhiên thời điểm cuối năm các CTCK cũng không mặn mà với việc cho vay margin. Một môi giới tại một CTCK lớn tại Hà Nội cho biết thời điểm cuối năm CTCK phải tích cực đi thu nợ, vẫn có NĐT muốn vay vốn nhưng thực tế nhiều CTCK không xoay xở được nguồn vốn để cho vay.

Mỗi CTCK khi được cấp phép hoạt động margin đều phải công bố danh sách cổ phiếu và tỷ lệ giao dịch ký quỹ. Hiện tại Sở công bố có khoảng 160 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ trên hai sàn, nhưng các CTCK chỉ cho vay đối với một số cổ phiếu nhất định: SSI (93 mã), KLS (74 mã), HCM (154 mã), SHS (132 cổ phiếu), FPTS, Bản Việt (139 mã), KIS Việt Nam (98 mã), VND (250 mã) …Công ty có danh sách cho vay margin nhiều nhất là chứng khoán Đại Tây Dương với 292 mã trên sàn HoSe và 166 mã sàn Hà Nội.

Nhìn vào khoản phải thu ngắn hạn của các CTCK tại thời điểm 30/9/2011 có thể thấy, hầu hết các công ty đều giảm mạnh khoản phải thu so với thời điểm đầu năm. Duy nhất có KLS tăng gấp đôi nhưng khoản này tập trung vào mục “phải thu khác”, trong khi khoản “phải thu khách hàng” và “phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán” đều giảm mạnh so với số cuối năm 2010.

Ở một khía cạnh khác, nhiều NĐT cho rằng thời điểm này chưa biết đáy của thị trường ở đâu, việc vay tiền margin lúc này là quá mạo hiểm. CTCK Habubank trong báo cáo gần đây cho rằng thị trường sụt giảm mạnh thái quá trong thời gian gần đây một phần do động thái giải chấp của các CTCK.

Chiến thuật của các NĐT hiện nay là mua gom từng ít một nhưng chủ yếu là mua bằng “tiền tươi thóc thật”. “Chưa đến lúc sử dụng margin”, một NĐT kỳ cựu trên sàn VNDS nói.

Phương Mai

Theo TTVN