Nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm đến các công ty Việt Nam

thesaigontimes- 04/04/2014

http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/chungkhoan/112765/Nhieu-to-chuc-nuoc-ngoai-quan-tam-den-cac-cong-ty-Viet-Nam.html

Nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm đến các công ty Việt Nam

Hùng Lê
Thứ Ba,  1/4/2014, 22:54 (GMT+7)
Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè
 
Các chuyên gia kinh tế thảo luận tại Hội nghị Invest ASEAN 2014 do Maybank Kim Eng tổ chức ở Singapore -Ảnh: Hùng Lê
 

(TBKTSG Online) - Các công ty niêm yết của Việt Nam tham gia giới thiệu và tìm đối tác đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị đầu tư Invest ASEAN 2014 diễn ra tại Singapore trong hai ngày 1 và 2-4 nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quỹ đầu tư và tổ chức tài chính nước ngoài.

Theo Maybank Kim Eng (thuộc Tập đoàn Maybank) - đơn vị tổ chức hội nghị trên - có 7 công ty Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán tham gia sự kiện này đã  thu hút sự quan tâm khá lớn của nhiều tổ chức là các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài. Các công ty này hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, cảng biển, dịch vụ hậu cần, dược phẩm, và xây dựng.

So với 5 nước khác tham gia hội nghị này (gồm Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia) thì số lượng doanh nghiệp Việt Nam ít hơn, nhưng theo đơn vị tổ chức, số lượng các tổ chức nước ngoài và các quỹ đầu tư đăng ký làm việc với những công ty Việt Nam lại nhiều hơn. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang thu hút sự quan tâm khá đặc biệt của các tổ chức đầu tư nước ngoài.

Đại diện Tập đoàn Bảo Việt (Bao Viet Holdings), cho biết có hơn 30 nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đăng ký làm việc với Bảo Việt để tìm hiểu về công ty cũng như tìm cơ hội đầu tư. Trong số nhà đầu tư quan tâm có những tập đoàn lớn như Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), Nomura Asset Management (Nhật Bản), JP Morgan Chase (Mỹ),…

Đáng chú ý là lĩnh vực bất động sản vốn gặp khó khăn ở Việt Nam trong nhiều năm nay cũng được các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều. Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, có hơn 20 công ty và tổ chức đầu tư nước ngoài đăng ký làm việc với Nam Long để tìm cơ hội đầu tư, trong đó có cả những tổ chức, quỹ đầu tư lớn như Fullerton Fund Management, Everest Capital Pte Ltd, Hansabay Pte Ltd, Nikko Asset Management Asia Ltd, NTAsset, Atlantis Investment Management Pte Ltd,…

Ông Trân cũng cho biết việc tham gia sự kiện này là bước chuẩn bị của công ty để huy động vốn vào dự án khu đô thị ở Long An có diện tích vài trăm héc-ta mà công ty đã đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng. Dự kiến năm nay Nam Long sẽ triển khai dự án này với số vốn cần huy động cho giai đoạn 1 là 50 triệu đô la Mỹ.

Tương tự, bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Tài chính của Công ty cổ phần Gemadept (Gemadept Corp), cho biết công ty đang tìm nhà đầu tư chiến lược cùng ngành để phát triển vì bắt đầu năm 2014 này Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường logistics cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Gemadept cũng hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, đầu tư bất động sản và trồng rừng. Gemadept cũng có hơn 20 tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đăng ký làm việc và công ty cũng mong muốn tìm được nhà đầu tư phù hợp để cùng nhau phát triển.

Theo Maybank Kim Eng, có tổng cộng 69 công ty của 6 nước từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam tham gia giới thiệu và tìm các nhà đầu tư chiến lược tại hội nghị này. Trong số này Việt Nam có 7 công ty; ngoài 3 công ty nói trên còn có các công ty Cotec Construction, DHG Pharmaceutical, HAGL và Vingroup.

ASEAN vẫn là khu vực đầu tư hấp dẫn

ông Datuk Abdul Farid Alias (trái) trao đổi với phóng viên tại Hội nghị. Ảnh: Hùng Lê

ASEAN hiện được xem là một trong những khu vực kinh tế sôi động và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó Việt Nam được quan tâm nhiều.

Thông tin này được các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng cùng giới phân tích nhận định tại Hội nghị Đầu tư ASEAN 2014.

Theo ông Abdul Farid Alias, Chủ tịch tập đoàn, kiêm CEO của Tập đoàn Maybank, 10 thành viên của ASEAN đang tạo nên một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, với hơn 3.000 công ty niêm yết có tổng vốn hóa khoảng 2.300 tỉ đô la Mỹ. “Những con số này đang tăng nhanh khi mà kinh tế ASEAN tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn cầu từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm”, ông nói.

Kinh tế ASEAN đang chịu tác động bởi một số sự kiện lớn như việc cắt giảm gói hỗ trợ định lượng (QE) của Mỹ, kinh tế Trung Quốc phải lấy lại thế cân bằng, bất ổn chính trị tại Thái Lan và cuộc bầu cử sắp tới tại Indonesia, nhưng theo ông Abdul Farid trong “nguy” có “cơ”. Ông nói: “10 nước thành viên ASEAN đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau và điều này tạo ra các cơ hội đa dạng phù hợp với hầu như bất kỳ nhà đầu tư nào”.

Một trong những lợi thế của Việt Nam cho nhà đầu tư được nêu ra tại Hội nghị là có thị trường lớn (khi thị trường chung ASEAN hình thành vào năm 2015), lực lượng lao động trẻ và một tầng lớp trung lưu tăng lên...

Nếu Việt Nam thực hiện tốt việc xử lý nợ xấu ở các ngân hàng, cùng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sớm thì cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào sẽ nhiều hơn.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các tập đoàn của 17 quốc gia với tổng số vốn hóa gần 135 tỉ đô la Mỹ và các quỹ đang quản lý tài sản với hơn 14 nghìn tỉ đô la Mỹ. Ông Abdul Farid cho rằng tiềm năng của ASEAN vẫn chưa được khai thác đầy đủ và hội nghị hy vọng sẽ khuyến khích đầu tư lớn hơn trong khu vực

 

 


Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015