CP họ hàng: Mãnh lực và cạm bẫy

StockBiz- 23/11/2016

Sau khi Habeco ( BHN ) giao dịch hôm 28-10 tại UPCoM và tạo nên cơn sốt cho CP bia, đang xuất hiện những kỳ vọng về việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ( ACV ) giao dịch vào hôm nay 21-11 cũng sẽ tạo nên một đợt sóng lớn cho CP hàng không.

Sóng BHN

Ngày giao dịch đầu tiên BHN đạt mức giá xấp xỉ 5.5 và đến ngày 8-11 tạo đỉnh xấp xỉ 14.5, trong khoảng 8 phiên đầu tiên có mặt tại UPCoM, BHN tăng gần gấp 3 lần. Tương tự BHN , những CP cùng họ bia như HAT (CTCP Thương mại Bia HN) tăng từ hơn 4.0 lên gần 9.0 trong giai đoạn 24-10 đến 2-11, WSB (CTCP Bia SG-Miền Tây) tăng từ 5.0 lên 7.0 vào giai đoạn cuối tháng 10, còn SMB (Bia SG-Miền Trung) tăng từ 3.0 lên gần 5.5 từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11.

Cũng trong khoảng thời gian này, BSP (Bia SG-Phú Thọ) tăng từ 2.5 lên 4.5.

Hôm 17-11, NCT (CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài) có 1 phiên dựng trần từ 8.6 lên gần 9.3 và tiếp tục tăng lên 9.8 trong phiên kế tiếp. Trong khoảng 10 phiên gần nhất, SGN (CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn), cũng tăng từ 12.0 lên 13.5. Và NĐT đang chờ đợi, liệu sau khi ACV chào sàn những CP họ hàng không còn lại có cất cánh hay không? Để trả lời câu hỏi này cần xem xét một số yếu tố.

Trước nhất, tính chất họ hàng trên TTCK đã có từ rất lâu từ thời Sông Đà, đến dầu khí, Vinaconex, Lilama… Nhưng cũng từ khá lâu rồi, không thấy có nhiều họ CP tỏa sáng nữa ngoài giai đoạn quý III-2014, họ dầu khí bùng nổ trên sàn. Câu chuyện của CP bia vừa mang tính chất họ hàng nhưng không thể bỏ qua yếu tố mới mẻ trên sàn. Mới đầu năm nay, người ta còn chưa rõ ràng về việc khi nào Sabeco và Habeco lên sàn, nhưng giờ đây đã sáng tỏ.

Cũng cần lưu ý, cả 2 ông lớn trong ngành bia này đều đã cổ phần hóa từ lâu, và là một trong những món hàng được chờ đợi nhiều nhất trên TTCK. Điều đó cũng đồng thời tạo ra yếu tố mới lạ cho CP bia và lan sang cả những CP còn lại trong họ. Cũng cần xem xét bối cảnh của TTCK thời gian gần đây: VN Index chỉ quanh quẩn ngưỡng 660-680 điểm và chưa có những thông tin để tạo nên những bước đột phá. Trong một chừng mực nào đó, thị trường cần những yếu tố mới lạ để tạo nên sự thu hút, vậy nên khi BHN có mặt trên sàn và tạo ra những đợt sóng mạnh, cũng đồng thời thu hút nhiều dòng tiền chưa có ý tưởng giải ngân chạy theo BHN cũng như các CP khác để sinh lời.

ACV có làm nên chuyện?

Đối với CP hàng không, cụ thể là ACV , câu hỏi đặt ra liệu một đợt sóng mạnh có thể xuất hiện tương tự như BHN hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, bởi như đã biết ACV cũng là một thương hiệu lớn và một điểm cũng rất quan trọng là lượng hàng hóa có thể đem bán ra trên thị trường không nhiều. Trong ngắn hạn, nếu sức cầu có thể lấn át được nguồn cung, việc CP tăng giá mạnh là điều nằm trong tầm tay. Nhưng nếu hỏi ảnh hưởng của ACV đối với CP trong họ sẽ như thế nào, câu trả lời lại không thực sự chắc chắn. Việc tìm kiếm CP hàng không tăng giá tốt không khó với những cái tên như NCT , MAS , SGN , nhưng xác định được giai đoạn đồng loạt CP hàng không nổi sóng lại rất hiếm hoi. Nghĩa là tính chất họ hàng của CP hàng không là tương đối rời rạc.

Hơn nữa, CP hàng không có thanh khoản không quá cao, vậy nên có thể hạn chế sự tham gia của đám đông. Chẳng hạn, NCT trong 10 phiên gần nhất khớp trung bình hơn 40.000 CP/phiên, NCS 10 phiên gần nhất khớp gần 12.000 CP/phiên, cũng trong khoảng thời gian này KLGD trung bình của MAS chỉ khoảng 8.300 CP/phiên. Trong một chừng mực nào đó, thời gian hiện diện trên sàn của những cái tên như NCT , MAS cũng đã kéo dài từ lâu nên NĐT có thể nhận diện khá rõ ràng về công ty, những ẩn số sẽ không còn nhiều yếu tố bất ngờ và sự háo hức như các nhóm ngành mới khác.

Nói tóm lại, sức hút của những CP họ hàng như bia, hàng không đã xuất hiện hay được đặt ra kỳ vọng cho thấy nhu cầu hàng hóa cũng như yếu tố chu kỳ trên TTCK. Nghĩa là khi thị trường đang “chán”, nhu cầu cần một thông tin gì đó mới mẻ, hay lôi ra một quy luật cũ để luân chuyển dòng tiền. Nhưng nên nhớ rằng, dòng tiền xoay chuyển rất nhanh và nếu sóng nổi lên không có nguyên do rõ ràng, việc điều chỉnh sau đó cũng mạnh không kém nhằm mục đích cân bằng lại giá trị. Đơn cử như BHN , sau khi tăng lên xấp xỉ 14.5, đã điều chỉnh xuống còn 10.0 hiện nay. Nếu mua “rón rén” khoảng 1.000 CP BHN ở mức giá 14.0, tức là bỏ ra khoảng 140 triệu đồng, sau khoảng 2 tuần tài khoản chỉ còn khoảng 100 triệu đồng, nghĩa là bay hơi hết 40 triệu đồng, gần 1/3 số vốn.

Mặt khác, khi CP tăng nhanh không lường trước được thì việc giảm mạnh cũng rất khó đoán định, không thể xác định rõ ràng đâu là mức đáy. Nhìn những CP họ hàng tăng có vẻ rất hấp dẫn, nhưng để tham gia và có lãi, hay thực tế nhất là mua để đến T+3 có lời thực sự không dễ dàng. Hơn nữa, chênh lệch giữa những CP đầu đàn và những CP khác trong họ có thể rất lớn, nghĩa là CP này được đánh giá cao nhưng CP khác chưa chắc. Nếu mua phải những CP không có chất, thanh khoản lại kém, khả năng vừa phải ôm hàng vừa phải cắt lỗ với thiệt hại lớn là rất cao. CP dòng họ có thể hấp dẫn nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro.


Thanh Hùng

 


Tuyên bố trách nhiệm :Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015