TTCK Việt Nam: Những cung bậc cảm xúc

StockBiz- 27/07/2016

"Với tôi, TTCK giống như một bản nhạc với một vài nốt thăng nhưng rất nhiều nốt trầm. Trải qua bấy nhiêu năm, cảm giác đọng lại trong tôi và các NĐT lâu năm khác chính là sự cô độc vì hiếm khi nào gặp lại được người quen trên thị trường".

LTS: Trong chuyên đề TTCK 20 năm, hôm nay NDH chuyển tới bạn đọc bài viết của ông Phan Dũng Khánh, Giám Đốc Tư vấn Đầu tư – CTCK Maybank Kim Eng - người gắn liền với thị trường từ những ngày đầu tiên.

 Cho đến nay, ngành Chứng khoán ra đời đã được 20 năm và TTCK cũng chính thức hoạt động được 16 năm. Phải nói rằng, TTCK đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho đất nước cũng như cho doanh nghiệp và các NĐT. Nhiều cá nhân đã giàu lên từ chứng khoán và cụm từ "tỷ phú chứng khoán" ngày được nhắc đến nhiều hơn.

Nhìn lại chặng đường 16 năm, tôi muốn nói về cuộc sống của các nhà đầu tư thành công và thất bại phải rời bỏ thị trường. Với tôi, TTCK giống như một bản nhạc với một vài nốt thăng nhưng rất nhiều nốt trầm. Trải qua bấy nhiêu năm, cảm giác đọng lại trong tôi và các NĐT lâu năm khác chính là sự cô độc vì hiếm khi nào gặp lại được người quen trên thị trường.

Những nốt thăng

Những ngày đầu tiên lên sàn, khi đó tôi vẫn còn là sinh viên. Vốn đam mê tài chính, tôi đã nghiên cứu về chứng khoán qua sách báo, phim ảnh (dù rất ít vì khái niệm CK khi đó vẫn còn xa lạ). Tôi còn nhớ như in vào ngày sàn CK giao dịch phiên đầu tiên, tôi đã hào hứng như một đứa trẻ được kẹo. Tôi có mặt ở trên đó với sự háo hức rất lớn vì cuối cùng Việt Nam cũng có sàn giao dịch CK.

Ngày đó tôi làm quen được với một NĐT nữ vốn là cổ đông của 2 công ty niêm yết đầu tiên là REE và SAM. Khi được hỏi lý do lên sàn, chị cho biết sở hữu 2 cổ phiếu đó nhưng chưa hiểu niêm yết sàn giao dịch là gì. Bình thường, chị có sổ cổ đông cầm trên tay, nay không còn nữa, chị lo không biết có trục trặc gì không nên “lên sàn ngồi canh như canh con gái mới lần đầu quen bạn trai vậy”. Với những kiến thức ít ỏi của mình, tôi giải thích cho chị hiểu và chị là người bạn đầu tiên của tôi trên sàn CK.

 Những ngày sau đó cổ phiếu tăng vùn vụt do người mua rất nhiều mà chỉ có 2 mã nên không có ai bán. Tài khoản của chị tăng như vũ bão khiến chính chị cũng choáng ngợp không ngờ mình giàu nhanh vậy. Thế rồi chị quyết định bán ra và khi tôi lên sàn vào ngày hôm sau thì thấy chị ôm bảng điện tử và khóc. Tôi ngạc nhiên thì chị nức nở: “Chị bán mà nó vẫn tăng liên tục em ạ”.

Thời điểm đó (2004-2007), số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn còn ít nên những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ lên sàn còn tăng giá dữ dội hơn do thị trường OTC thì không có biên độ. Khi đó sáng các NĐT giao dịch trên sàn, chiều cũng vẫn lên sàn nhưng để mua bán cổ phiếu OTC với mức lợi nhuận gấp nhiều lần. "Phố Wall Việt Nam" thời đó là khu Nguyễn Công Trứ đông nghịt, ngày nghỉ cũng được các NĐT tận dụng để trao đổi mua bán gì vào tuần tới. Khái niệm “ăn ngủ chứng khoán cũng bắt đầu từ đó”.

Các bãi giữ xe được dịp tăng giá mà vẫn không có đủ chỗ để gửi. Nhà đầu tư cũng chẳng quan tâm đến giá giữ xe là 5 ngàn hay 50 ngàn, thỉnh thoảng lúc vui vẻ còn bo luôn 500 ngàn. Tờ bản tin thị trường do Sở giao dịch phát hành (chưa có các nhận định của các CTCK nhiều như bây giờ) để trên quầy giao dịch nhưng ai lên sàn chậm cũng hết khiến nhiều CTCK phải đi photo một ngày mấy lượt.

Điều quan tâm lớn nhất của NĐT khi đó là mua được cổ phiếu chứ không phải giá bao nhiêu. Lúc đó thị trường chỉ có một xu hướng là tăng giá, “nhắm mắt mua đại” cũng kiếm được tiền, mua ngày hôm nay là mai có lời liền (lúc đó chưa giao dịch phiên chiều), khái niệm thua lỗ, giảm giá là từ ngữ xa lạ. Với thị trường OTC còn lời lẹ hơn khi chốt giá xong có thể chưa cần cầm CP thậm chí cũng chả có tiền trong tay vẫn có thể bán cho người khác ăn chênh lệch. Đi đấu giá IPO vui như trẩy hội với những mức giá “trên mây” vì chỉ cần đặt cọc trúng đấu giá ngay lập tức có thể bán lại quyền của mình mà chẳng cần đợi đến ngày đóng tiền.

 Môi giới chứng khoán hồi đó là nghề rất “hot”, đến mức là tiêu chuẩn để chọn người yêu của các chàng trai, cô gái bấy giờ. NĐT thậm chí phải cầu cạnh môi giới chứng khoán để có thể được “đua lệnh” sớm nhất vào sàn bởi vì chỉ cần mua được CK là biết chắc ngày mai sẽ có lời.

Phí giao dịch được xem là “muỗi”, chẳng ai bận tâm phí công ty này thấp hơn công ty khác vì lợi nhuận hàng trăm, hàng ngàn phần trăm chẳng ai mất công đi kỳ kèo “vài đồng xu lẻ”. Có CTCK thậm chí đưa ra quy định phải có 100 triệu mới cho mở tài khoản giao dịch, có môi giới cuối năm còn được NĐT thưởng tiền. Cá biệt tôi từng chứng kiến có NĐT tặng luôn cho môi giới của mình 1 căn hộ cao cấp chỉ vì “em hợp phong thủy với anh, giúp CP của anh lên hoài”.

Sinh viên ngành tài chính bấy giờ cũng rất “hot”, dù chỉ là đi thực tập với nhiệm vụ xếp phiếu lệnh thôi mà cũng được hưởng lương lên đến vài triệu. Thậm chí, có em còn nói với sếp mình: “Anh nâng lương cho em đi chứ CTCK XYZ đang mời em về thực tập lương cao hơn nữa”.

Những người xung quanh cũng điên cuồng vì chứng khoán, chứng khoán thường trực như bữa cơm hàng ngày. Thậm chí, có người vì bị sếp nhắc nhở chơi chứng khoán trong giờ làm việc mà ngay buổi chiều nộp đơn xin nghỉ để ra ngoài sàn ngồi luôn “vì đi làm lương còm cõi không bằng 1 ngày kiếm tiền trên TTCK”.

Tôi còn nhớ khi đó đi ăn sáng tại quán bánh canh gần nhà, chị bán bánh canh đặt laptop cạnh nồi nước lèo để vừa bán vừa kịp theo dõi thị trường, “đặt lệnh cho kịp em à”, “chị chuẩn bị chuyển nghề từ bán bánh canh sang làm NĐT CK rồi”. Bản thân mẹ tôi đi chợ cũng bị bà bán cá, chị bán rau hỏi: “nay mua con gì, bán con gì trên sàn thế”. Những cuộc vui, bữa tiệc sang chảnh liên tục được tổ chức tưởng chừng không bao giờ kết thúc.

Những nốt nhạc trầm

Tuy nhiên cuộc vui nào cũng có lúc tàn, chị bán bánh canh đã không thể chuyển sang làm NĐT chuyên nghiệp, chị vẫn bán bánh canh cho đến ngày hôm nay. Người bạn xin nghỉ việc ra sàn CK ngày nào nay tất tả đi nộp đơn xin việc nhiều nơi. Khi TTCK lên hơn 1.000 điểm, nhiều quy định đã được ban hành nhằm hạn chế bớt việc hưng phấn quá mức của NĐT. Đỉnh điểm là khủng hoảng kinh tế tài chính trên thế giới 2008 khiến Thị trường tài chính toàn cầu lao dốc không phanh và TTCK Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Khái niệm “từ 2 bàn tay trắng làm nên một đống nợ” phổ biến giai đoạn này và tôi cũng không thoát khỏi điều đó. Khi ấy, tôi đã thoát khỏi thị trường ở gần đỉnh, nhiều người nói rằng “chuyên gia mà nhát quá” và “ai cũng mua CP mà anh lại bỏ chạy là hèn” khiến tôi quay trở lại và chết ngay trên đỉnh. Bài học quý giá này giúp tôi biết “bôi kem chống nhục” để sau này có thể thoát khỏi hiệu ứng đám đông và lấy lại được nhiều cái đã mất. Nhưng đó chỉ là vật chất, những điều khác như tinh thần, tình cảm, bạn bè, người thân và nhiều cái không thể quy đổi ra tiền đã không bao giờ trở lại.

 Tuy vậy, tôi vẫn là người quá may mắn khi còn trả được nợ, mà nợ tài chính thì rất kinh khủng, thậm chí đôi khi còn không có khái niệm thua lỗ mà còn là phá sản như các cổ đông của Ngân hàng 0 đồng. Nhiều NĐT vốn là đại gia với đất đai bao la, cò bay thẳng cánh, tiền bạc xài mấy đời, siêu xe để xếp lớp mà bị ngân hàng siết nợ do thua lỗ chứng khoán, vợ chồng ly hôn phải ôm con ngủ dưới mái hiên nhà hàng xóm đúng ngày 30 Tết vô cùng đau xót.

Mặc dù vậy, nhiều NĐT đam mê vẫn mong một ngày hoàng kim quay lại phục thù. Một số NĐT hùn ít tiền còn sót lại chung nhau mở quán nhậu hay sinh tố, tàu hủ để kinh doanh trong lúc thị trường khó khăn chờ ngày phục thù. Cũng có NĐT vẫn còn hậm hực với thị trường, như bạn tôi mở quán ốc và tôi góp vốn chung, lập kế hoạch đầu tư để “mơ đến một ngày nào đó niêm yết quán ốc lên TTCK, trở thành quán ốc đầu tiên được niêm yết và nổi tiếng toàn quốc”.

Trên thị trường còn “lưu truyền” câu chuyện một NĐT kỳ cựu tên Long, nghỉ đầu tư chứng khoán chuyển sang bán bánh canh ghẹ và rất thành công. Hiện, anh sở hữu có mấy cửa hàng rất đông khách và nhiều nhà đầu tư vẫn hay tìm đến ăn để trao đổi những gì đã qua. Tuy nhiên, anh Long chỉ là trường hợp thành công cá biệt, còn bán nhà, bán xe, gia đình ly tán làm ăn vất vưởng qua ngày thì nhiều vô kể, không đếm xuể.

TTCK – Hy vọng & Niềm tin

Tuy nhiên, không thể phủ nhận TTCK đã mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp đồng thời cũng góp phần tạo nên nhiều tỷ phú được vinh danh là những người giàu nhất Việt Nam. Họ cũng là tấm gương chói lọi cho khát vọng làm giàu, đặc biệt đây là thời điểm mà Chính phủ tạo mọi điều kiện cho phong trào khởi nghiệp, cho doanh nghiệp phát triển bền vững và nhắm tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 thì TTCK lại càng là một yếu tố quan trọng cho các mục tiêu trên. TTCK vốn là một kênh đầu tư hấp dẫn, một kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh các kênh truyền thống, góp phần giúp cho ước mơ của những doanh nghiệp Việt bay cao và bay xa.

 Năm 2016 là một năm lịch sử của TTCK khi VN-Index lên đỉnh 8 năm và lần thứ 2 trong lịch sử vượt mốc 650 điểm (lần thứ nhất cách đây 10 năm – 2006) khiến nhiều NDDT hồ hởi. Dù rằng để quay lại thời kỳ hoàng kim là không dễ nhưng đã qua cái thời “vụng dại”, các NĐT bây giờ đã có nhiều kinh nghiệm hơn, các NĐT mới cũng có nhiều thông tin để hỗ trợ cho việc đầu tư của mình hơn.

Mặc dù vậy, khác với giai đoạn 10 năm trước, việc đầu tư cổ phiếu phải có sự tính toán, phân tích khó hơn nhiều chứ không thể “nhắm mắt mua đại” như xưa. Bởi vậy, NĐT cần luôn giữ cho mình sự tự tin, trái tim nóng bổng và một cái đầu lạnh.

Sự tự tin của một NĐT chỉ mới biết đến chiến thắng và sự tự tin của những người đã từng trải qua thất bại và hiểu được nó luôn rất khác biệt. Bài học từ mất tiền luôn là bài học đắt đỏ và vì thế cũng quý giá nhất. Nói cách khác, giá trị của những bài học từ thất bại luôn nhiều hơn từ thành công. Nó giúp chúng ta mạnh mẽ vững vàng như Đá nhưng hành động uyển chuyển như Nước chứ không quá tự tin như những người kiếm được tiền quá dễ dàng.

Điều này dễ ẩn chứa sự chủ quan mà mai này một khi thất bại sẽ khiến cho họ có thể bị mất mát nhiều hơn mà không có cách nào sửa chữa được. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa sự tự tin của người Biết và sự tự tin của người Hiểu! Để đi từ Biết đến Hiểu chẳng thể tránh khỏi quá trình phải chiêm nghiệm bằng chính mình qua những lần vấp ngã hoặc học được cách vấp ngã để bước qua nó.

Như một câu nói của Benjamin Graham: “Đường vào phố Wall thênh thang lắm nhưng mấy ai đi hết đoạn đường”. Con đường đầu tư luôn rất dài và những NĐT trải nghiệm nhiều năm luôn hiểu rằng đã dấn thân vào con đường này thì đường về nhà còn xa lắm.

 

Phan Dũng Khánh Giám Đốc Tư vấn Đầu tư – CTCK Maybank Kim Eng

 

Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015