Phân hóa và cân bằng

StockBiz- 27/07/2016

Tuần qua, VN Index chỉ tăng đúng 1 phiên vào đầu tuần (18-7) lên 673,5 điểm, theo sau đó là 4 phiên giảm liên tiếp xuống còn 649,9 điểm; HNX Index cũng có biến động tương tự để từ 87 điểm giảm xuống còn 84 điểm.

Tăng nhanh, giảm mạnh

Phiên 24-6, VN Index đã có lúc giảm đến 35 điểm, cuối phiên đà giảm được hãm lại, kết thúc phiên giảm gần 12 điểm xuống 620 điểm, do lo ngại về hiệu ứng Brexit trên toàn thị trường, nhưng sau đó là những diễn biến cực kỳ tích cực của TTCK. Phiên 22-7, đã có lúc VN Index giảm từ 657 điểm xuống dưới 640 điểm, nhưng kết phiên ở mốc 649,9 điểm, tức giảm 9,7 điểm, tương ứng 1,47%, và đây cũng là phiên có biến động theo chiều hướng giảm mạnh nhất tính từ sau sự kiện Brexit.

 

Lý tưởng nhất là NĐT có thể chọn được CP có mức giảm thấp hơn thị trường, đồng thời chứa đựng những khả năng tăng giá khi phục hồi. Những CP này thường có những đặc tính sau: Mức độ tăng giá trong thời gian trước đây chưa quá mạnh, không có nhiều phiên tăng trần, giảm sàn; có những thông tin đáng để kỳ vọng như kết quả kinh doanh quý II-2016 và nửa đầu năm 2016 được chờ đợi là tích cực; định giá còn thấp.

Gần 1 tháng, sau 20 phiên giao dịch, 1 phiên có biến động mạnh lại xuất hiện là một chỉ báo rất đáng quan tâm. Nếu như phiên 24-6, áp lực giảm giá xuất hiện trên toàn thị trường khi hầu hết các CP bị bán tháo, thì phiên 22-7 VN Index suy giảm bởi một số CP chủ chốt. Bất ngờ nhất có lẽ là trường hợp của VCB, đã giảm sàn từ 55.500 đồng/CP xuống 52.000 đồng/CP. Trước đó, ngày 13-7, VN Index đã tăng lên vùng đỉnh của 8 năm với 675,1 điểm và VCB chính là tác nhân quan trọng khi tăng trần từ 54.000 đồng/CP lên 57.500 đồng/CP. Phiên 21-7, HSG cũng khiến cả thị trường phải chú ý khi từ mốc 41.500 đồng/CP giảm sàn xuống 38.600 đồng/CP.

 

Một số CP trong nhóm mid cap và penny đã tăng mạnh trong thời gian qua cũng bị điều chỉnh mạnh. Thí dụ mã CSV đã tăng một mạch từ 2.0 lên 3.0 chỉ trong vòng 2 tháng qua, nhưng cuối tuần rồi cũng có 1 phiên giảm sàn xuống còn 27.900 đồng/CP; HT1 sau khi “đụng nóc” 3.6 cũng đã điều chỉnh xuống vùng 3.1-3.2; PAC sau khi chạm đỉnh 5.0 giờ chỉ còn 3.3… Trong khi đó, nhờ thông tin chính thức mở room, VNM lại có những diễn biến tích cực khi chốt tuần rồi ở mức 156.000 đồng/CP, tăng 9.000 đồng/CP, tương ứng 4,7% so với tuần trước đó. Nói không quá, VN Index có thể đã giảm rất sâu nếu VNM không tăng mạnh trong tuần vừa rồi, CP này đã giúp giảm thiệt hại của 1 tuần điều chỉnh TTCK. Nói đến đây sẽ thấy những phiên điều chỉnh của thị trường vừa qua hướng đến sự phân hóa, cân bằng hơn là một xu hướng giảm đồng loạt trên toàn thị trường. Khi dòng tiền vẫn còn được duy trì trên thị trường, việc chốt lời ở CP này có thể tiến đến việc hướng đến những CP khác còn nhiều cơ hội hơn.

Về diễn biến của thị trường, trước tiên cần nhìn vào biến động của nhóm CP trụ cột. Trong khoảng 10 phiên gần đây, dường như mỗi CP lại có một thời điểm khẳng định mình, sau VCB lại đến VNM. Và hiện nay, người ta đang chờ đợi những trụ cột khác như BVH, GAS, MSN… có thể xuất hiện những thông tin tích cực. Ngưỡng 640 điểm từ chỗ là kháng cự của VN Index trong những năm trước đây, giờ lại đang trở thành ngưỡng hỗ trợ, điều này đã được thể hiện trong phiên 22-7. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc VN Index không thể quay lại ngưỡng 640 điểm một lần nữa trong những phiên đầu tuần. Bởi lẽ, từ 675 điểm xuống 650 điểm, VN Index thực chất chỉ mới điều chỉnh giảm chưa đầy 4%. Nhiều khả năng, vùng 640 điểm sẽ có thêm một vài lần kiểm nghiệm và VN Index sẽ dao động quanh khu vực 640-650 điểm.

 
Những rủi ro của phân hóa

VN Index đã tăng khoảng 100 điểm trong 7 tháng qua, có những CP tăng tốt hơn thị trường, cũng có CP tăng thấp hơn tỷ lệ chung, có NĐT lãi lớn nhưng cũng có cả những người không tìm được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Sự phân hóa đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn thị trường. Và tất nhiên, khi thị trường xuất hiện một loạt phiên điều chỉnh, màu đỏ (giảm) lấn át màu xanh (tăng), sự phân hóa sẽ diễn ra một cách gay gắt hơn. Cơ hội kiếm tiền vẫn còn đó, nhưng sẽ khó khăn và rủi ro hơn. Khi thị trường diễn biến thuận lợi, sự phân hóa có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm vượt trội tăng mạnh hơn thị trường; nhóm tương đương với diễn biến của thị trường; và nhóm “đi ngược”, tức đứng yên hoặc giảm mạnh. Nhưng khi thị trường đang có những phiên điều chỉnh để thiết lập mặt bằng giá mới, tích lũy và cân bằng dòng tiền ở các nhóm CP, sự phân hóa CP sẽ diễn ra theo chiều hướng số lượng CP trong nhóm vượt trội (nhóm I) sẽ rất ít, một nhóm điều chỉnh giảm nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn so với thị trường chung (nhóm II) và nhóm CP sẽ giảm sâu (nhóm III).

Thực tế cho thấy, rủi ro của nhóm I không nằm ở số lượng quá ít, nghĩa là dù có khó nhưng nhiều NĐT vẫn có thể nhìn ra được một số CP trong nhóm này. Chẳng hạn, trong phiên 23-7, dù VN Index giảm gần 10 điểm nhưng trong khoảng 300 mã CK tại HOSE vẫn có hơn 60 mã tăng giá, tỷ lệ khoảng 20%. Mấu chốt ở đây là khả năng tăng giá của nhóm I phải đủ bù đắp những rủi ro NĐT chấp nhận, cụ thể là khả năng tăng giá có đủ T+3 để tạo ra lợi nhuận cho NĐT hay không? Nếu câu trả lời là không, thoạt nhìn có thể nghĩ CP ở nhóm I nhưng thực tế lại là nhóm III. Trong một xu hướng giảm, có những CP sẽ giảm liên tục và nhìn khá rõ xu hướng, nhưng cũng có những CP giảm theo kiểu 2 giảm 1 tăng, những phiên tăng vẫn xuất hiện nhưng càng về sau lại càng thấp hơn trước.

Đặc tính này thường xuất hiện ở nhóm CP có tính đầu cơ rất cao. Theo đó, những phiên hồi được ví như động thái bắt đáy trong vô vọng, hoặc có nghi ngờ rằng đây đơn thuần chỉ là cách đánh lên để tiếp tục xả hàng. Trong khi đó, nhóm II lại bao gồm 2 loại CP: Những CP đã tăng chưa nhiều nên điều chỉnh cũng chỉ ở mức chừng mực; và những CP nhận được kỳ vọng lớn và vẫn trụ được giá để chờ cơ hội. Có thể nói, nhóm II chính là nhóm mang tính chất phòng vệ, hoặc trú ẩn an toàn nhất cho NĐT chọn phương thức “ở lại” khi TTCK có những diễn biến không thuận lợi.

Dù vậy, nếu NĐT không có một chiến thuật cũng như những sự lựa chọn hợp lý, dù chọn được CP an toàn vẫn có thể mất tiền rất nhanh. Trước nhất cần lưu ý do thị trường chung có nhiều biến động, mà phần lớn CP hiện nay sẽ theo diễn biến của thị trường nên trong phiên có thể sẽ xuất hiện những hiện tượng như bán tháo, giảm mạnh. Khác biệt ở đây có thể là lượng cung giá thấp dần được mua hết, và CP đóng cửa phiên với mức giá tham chiếu hoặc chỉ giảm nhẹ. Nếu NĐT bán ra CP trong phiên vì e ngại xem như đã bán đáy và lỗ nặng. Mặt khác, có những CP giảm không nhiều và cũng tăng không nhiều. Tuy nhiên, do đã giữ những CP này trong thời gian dài, nên đến khi thị trường phục hồi nhiều NĐT không nỡ bán để chuyển sang CP có sức bật tốt hơn, từ đó làm mất đi cơ hội sinh lời.

 

THY NHÃ

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015