Có “sóng” mở room?

cafef- 29/06/2015

 VN-Index đóng cửa với mức giảm 1,06% là kết quả không thể ngờ tới sau những hưng phấn dồn dập thời điểm thông tin về Nghị định 60 xuất hiện. Nếu tin tích cực được thị trường mong đợi, tại sao áp lực bán lại tăng lên dồn dập như vậy?


Có một thực tế là nhà đầu tư quen nhìn vào các chỉ số để đánh giá tình trạng thị trường chung. Điều này như một dạng “quy nạp không đầy đủ” trong suy luận: từ một vài hiện tượng được “nâng quan điểm” lên thành cái phổ biến. VN-Index lẫn HNX-Index đều giảm trên 1% tạo cảm giác thị trường cực xấu, nhất là khi đặt bên cạnh một tin tốt xuất hiện.

Tuy nhiên nếu phân tích kỹ thị trường không quá kém trong ngày cuối tuần, mức giảm quá lớn ở những cổ phiếu trong diện không được mở room mới là phản ứng thực sự của những người thất vọng với Nghị định 60, ví dụ dầu khí, ngân hàng. Nhà đầu tư đã bán ra rất mạnh những cổ phiếu này, cộng với hoạt động chốt lời ngắn hạn ở nhiều mã khác đã khiến các chỉ số sụt giảm lớn.

Yếu tố trọng số vốn hóa trong việc tính các chỉ số cơ bản như VN-Index, HNX-Index lâu nay vẫn tạo ra những phiên như vậy, và đó là nguyên nhân tại sao hai Sở Giao dịch phải thiết kế ra các chỉ số khác với cách tính mới để giảm ảnh hưởng. Mặc dù vậy thói quen là rất khó bỏ.

Liên quan đến Nghị định 60, có thể khẳng định đây là văn bản tạo nên sự thay đổi chưa từng có trên thị trường chứng khoán, tiệm cận dần hơn với thông lệ quốc tế và là kết quả của một quá trình vận động, đòi hỏi từ cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tác động đến các nhóm cổ phiếu là khác nhau, nhưng một điều chắc chắn rằng, nếu không cởi mở hơn, không tạo ra một sự thay đổi mới thì không việc gì phải lao tâm khổ tứ nhiều năm như vậy.

Tác động mạnh nhất và rõ nhất, nhanh nhất là các cổ phiếu chứng khoán. Nghị định 60 quy định: Nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đáp ứng các quy định tại Khoản 10 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CPđược mua để sở hữu đến 100% vốn điều lệ của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, theo giải thích thuật ngữ, bao gồm công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Chỉ thêm một chi tiết: “Sở hữu đến 100%” là thay đổi rất lớn. Quy định hiện tại chỉ cho phép sở hữu tối đa đến 49%, hoặc sở hữu 100% ngay từ đầu. Nghị định 60 đã cho phép sở hữu “nốt” phần còn lại: trên 49% đến 100%. Nói nôm na, trước đây, hoặc phải thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài, hoặc mua để sở hữu 49% một công ty chứng khoán nội đang có. Bây giờ các tổ chức “trong nghề” (theo tiêu chuẩn ở khoản 10 Điều 71 nói trên) được phép mua bao nhiêu tùy thích.

Các tổ chức nước ngoài không đạt tiêu chuẩn khoản 10 Điều 71 hoặc cá nhân nước ngoài được phép sở hữu dưới 51% vốn của công ty chứng khoán cũng là một điều khoản mở, vì vẫn có thể nắm quyền chi phối tại các công ty này một cách kỹ thuật.

Đối tượng tác động nhanh thứ hai, là các công ty hoạt động không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trong danh mục 72 ngành nghề mà dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư mới quy định (sắp ban hành) và không thuộc lĩnh vực đang có sẵn quy định về room (ví ngân hàng), sẽ tự động được mở không giới hạn.

Kinh doanh chứng khoán cũng là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng thuộc mục b điều 2a của Nghị định 60, tức là được áp dụng room theo quy định tại Nghị định 60 (và Thông tư hướng dẫn sắp ban hành), như nói ở trên, là được sở hữu đến 100%.

Như vậy, ngoài công ty chứng khoán được áp dụng ngay thay đổi về room, các lĩnh vực khác phải chờ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành chính thức vào đầu tháng 7 để lấy cơ sở tham chiếu.

Tác động chậm thứ ba là các công ty đa ngành nghề. Nghị định 60 chỉ cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt mức thấp nhất trong các ngành nghề có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế quy định khác.

Nhóm công ty này sẽ vừa phải chờ danh mục 72 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vừa phải chờ quy định tỷ lệ room cụ thể để biết được tỷ lệ sở hữu thấp nhất là bao nhiêu.

Nhóm cuối cùng, không nhiều thay đổi, là các công ty hoạt động trong lĩnh vực đang có quy định về tỷ lệ room, ví dụ ngân hàng, thì vẫn giữ nguyên trừ phi có sự thay đổi quy định sau này. Ngoài ra còn là các công ty hoạt động trong lĩnh vực có điều kiện (theo Luật đầu tư mới) mà chưa có quy định về room, thì mặc nhiên áp dụng tỷ lệ 49%.

Như vậy Nghị định 60 đã phân loại và quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho toàn bộ khối doanh nghiệp một các rõ ràng. Đó là một bước đi minh bạch nhất từ trước đến nay về room.

Quan trở lại câu hỏi liệu có “sóng mở room” hay không. Câu trả lời lại có thể là một câu hỏi: “Sóng như thế nào”? Các biến động ngắn hạn một vài ngày không có ý nghĩa liên quan đến “sóng”. Việc mở tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cũng như áp dụng Luật Đầu tư mới là một bước cải cách lớn. Điều này sẽ tạo ra sức mạnh cho thị trường chứng khoán từ yếu tố cơ bản. Vì thế hãy nhìn tới một con sóng dài hơi hơn những biến động sẽ đến trong ngày mai, hay tuần tới.

Theo Người quan sát

Diễn đàn đầu tư

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015