Sau con số 200% cổ tức, KDC còn gì để “hút khách”?

cafef- 29/07/2015

 Sau tin chia cổ tức với tỷ lệ 200% được công bố ngày 27/07, cổ phiếuKDC của CTCP Kinh Đô đã tăng trần vào phiên giao dịch ngày 28/07 với khối lượng đột biến lên hơn 8 triệu đơn vị trong khi bình thường, khối lượng khớp lệnh của KDC chỉ từ 300.000 – 1 triệu đơn vị/phiên.

13/08 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận mức cổ tức này. Nếu tính trên giá mua 50.500 đồng (mức giá trần) trong ngày 28/7, tỷ lệ cổ tức/thị giá cũng lên tới gần 40% - một con số vẫn cực kỳ hấp dẫn.

Từ đầu tháng 6, giá cổ phiếu KDC đã bắt đầu đi lên mạnh mẽ. Người bán hôm nay hẳn là những người đã gom KDC để chờ tin cổ tức được chính thức công bố sau khi thương vụ bán Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelez hoàn tất (theo thông tin trước đó là đầu quý 3/2015). Mà có thể thấy, trong ngày này, khối ngoại đã bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu KDC tương đương gần 105 tỷ đồng. Song, với tỷ lệ cổ tức/thị giá như trên, người mua cũng không thiếu.

Nhưng sau con số 200% cổ tức, KDC còn gì để “hút khách”?

Rót vốn vào một ngân hàng sau 5 năm từ bỏ

Từ năm ngoái, định hướng chiến lược của công ty đã có rất nhiều thay đổi. Bán đi mảng bánh kẹo, các kế hoạch đầu tư mở rộng của KDC chủ yếu nhắm vào hai mặt hàng chính là dầu ăn (thông qua Vocarimex) và mì ăn liền (thông qua Saigon Vewong). Gần nhất, từ phía Ngân hàng Đông Á cho biết, Kinh Đô sẽ rót 1.000 tỷ đồng để mua khoảng 17% vốn cổ phần của Ngân hàng này.

Không phải đến bây giờ, Kinh Đô mới thể hiện sự hứng thú với ngành ngân hàng. Trong quá khứ, anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên đã từng có tham vọng phát triển mạnh ở mảng bất động sản và đầu tư tài chính nhằm đưa Kinh Đô lên mô hình tập đoàn.

Vào năm 2007, Kinh Đô đã từng rót vốn vào Ngân hàng Eximbank với dự kiến nắm 6,4% vốn cổ phần. Ông Trần Lệ Nguyên khi đó chia sẻ, với việc rót vốn vào Eximbank, những dự án địa ốc mà Kinh Đô đang dốc sức đầu tư sẽ được ưu tiên tài trợ vốn từ ngân hàng này. Mặt khác, khách hàng tham gia dự án địa ốc của Kinh Đô cũng sẽ được giao dịch qua Eximbank với hạn mức tín dụng lớn hơn trong thời hạn dài hơn so với các ngân hàng khác.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm sau đó, Kinh Đô đã rút khỏi Eximbank và nguyên nhân được đưa ra là do thị trường không thuận lợi nên chưa lên kế hoạch cụ thể.

“Kinh Đô nghiệm ra quay về với năng lực cốt lõi - ngành thực phẩm là quyết định hoàn toàn đúng đắn” – lãnh đạo Kinh đô đúc kết lại.

Thế rồi 5 năm sau, Kinh Đô – sau khi bán đi mảng bánh kẹo để chuyển sang dầu ăn và mỳ gói, lại một lần nữa rót vốn vào một ngân hàng khác.

Lợi thế của “người nhà” ngân hàng

Là cổ đông chiến lược của ngân hàng, có thể thấy trước mắt một số lợi thế cho Kinh Đô. Đó là một kho vốn dồi dào cho các kế hoạch kinh doanh trong tương lai của công ty. Hiện tại dù rất giàu tiền mặt nhờ bán đi nồi cơm cũ nhưng khi gia nhập ngành thực phẩm đang cạnh tranh khốc liệt, Kinh Đô là một cái tên mới mẻ. Có một ngân hàng đằng sau hỗ trợ mới có thể đảm bảo dòng vốn liên tục, “cần là có”. Điều này giống như kỳ vọng của KDC khi đầu tư vào Eximbank ngày trước, nhưng dầu ăn và mỳ gói không giống như bất động sản.

Bên cạnh đó, với chiến lược M&A các doanh nghiệp khác trong ngành FMCG, Kinh Đô cũng cần có một đơn vị vừa lo thực hiện các thương vụ M&A sắp tới một cách chuyên nghiệp, vừa đảm bảo giữ kín thông tin. Đó là chứng khoán Đông Á – một trong số ít CTCK được thực hiện nghiệp vụ định giá doanh nghiệp và khá nổi trong nghiệp vụ tư vấn.

Ngoài ra, một chuyên gia còn cho rằng, ngành ngân hàng đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. “Mua” một ngân hàng lúc này và bán lại trong tương lai cũng là khoản đầu tư tiềm năng.

Tại thời điểm 31/12/2014, NH Đông Á có tổng tài sản là 87.108 tỷ đồng, huy động khách hàng là 79.953 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm trước và dư nợ là 51.850 tỷ đồng, giảm 2,3%. Với nợ xấu 1.947 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được báo cáo là 3,76% - giảm từ mức 3,52% của năm 2013.

Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Đông Á đạt 35 tỷ đồng, chỉ đạt 7% kế hoạch đề ra. Ngân hàng cũng thực hiện hoán đổi 3.921 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2014 và có kế hoạch tiếp tục hoán đổi thêm khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015.

Nhưng trong quá khứ đã từng ghi nhận nhiều vụ “ngã ngựa” của các đại gia khi tham gia vào lĩnh vực tài chính. Mặc dù có thể nói khó khăn nhất của lĩnh vực ngân hàng đã qua đi, các ngân hàng nhỏ còn có hàng tá việc phải giải quyết vì các vấn đề của họ không tự nhiên mất đi. Do đó, cổ đông nhỏ lẻ của KDC có thể sẽ không hồ hởi lắm trước thông tin này.

Chờ tin mua cổ phiếu quỹ

Trong kế hoạch của KDC, Công ty còn dự kiến mua lại 55,5 triệu cổ phiếu quỹ, nâng tỷ lệ cổ phiếu quỹ lên 30%. Phương án mua lại cổ phiếu quỹ chưa được công bố chính thức về hình thức giao dịch. CTCK Rồng Việt giả định, cổ phiếu quỹ được tiến hành sau khi chi trả cổ tức 200% với giá mua khoảng 30.000 VND/cp thì KDC sẽ tiêu tốn thêm 1.665 tỷ đồng.

Về dài hạn, câu chuyện của KDC còn nhiều điều để nói. Hiệu quả hoạt động của KDC khi bước chân vào một thị trường mới là điều các NĐT đang đặt câu hỏi và còn băn khoăn. Với nguồn tài chính khá dồi dào, khả năng mua lại các doanh nghiệp tăng trưởng ở những phân khúc kinh doanh thực phẩm khác nhau trở nên dễ dàng hơn với KDC, tuy nhiên, Rồng Việt cho rằng không thể hứa hẹn rằng các mảng mới sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận duy trì khả quan như trước đây.

Dù vậy, trong ngắn hạn, NĐT vẫn kỳ vọng vào thông tin hỗ trợ là việc mua cổ phiếu quỹ của công ty này.

 

Bảo Bảo

Theo Trí thức trẻ

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015