Thuế thu nhập chuyển nhượng chứng khoán: Sẽ hạn chế “lướt lát”, tăng đầu tư trung, dài hạn?

cafeF- 10/12/2014

Những hoạt động càng phức tạp về giấy tờ thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lách luật. Nhất là khi nhà đầu tư có thể mua bán một loại cổ phiếu ở nhiều mức giá khác nhau và một nhà đầu tư không chỉ đứng tên một tài khoản giao dịch hay không chỉ mua bán trên tài khoản mang tên của mình.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật thuế sửa đổi, áp dụng từ ngày 1/1/2015. Trong đó, Luật sửa đổi quy định, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán chỉ áp dụng một phương pháp tính thuế duy nhất là theo thuế suất toàn phần (0,1%) trên giá chuyển nhượng từng lần. Trước đây, đối với việc nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, nhà đầu tư có 2 sự lựa chọn.
 
Cách thứ nhất, nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
 
Cách thứ hai, nộp thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế. Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Cuối năm nếu có yêu cầu áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.
 
Từ khi Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua phương án đánh thuế thu nhập cá nhân như trên đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đã có nhiều ý kiến trái chiều được nêu lên.
 
Lỗ cũng phải nộp thuế
 
2 hình thức nộp thuế đều có những ưu điểm và hạn chế. Đối với cách thứ nhất, ưu điểm là sự đơn giản, thuận tiện cho cả nhà đầu tư, công ty chứng khoán lẫn nhà quản lý. Tuy nhiên, đây là khoản thuế đánh trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần (hay nhà đầu tư vẫn gọi nôm na là tiền bán chứng khoán).
 
Vì vậy, dù bán được giá cao hơn hay thấp hơn giá vốn, dù lỗ hay lãi thì nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế.
 
Đối với cách thứ 2, thủ tục có phần phức tạp hơn khi yêu cầu nhà đầu tư phải có mã số thuế để cơ quan thuế nắm được số thuế mà công ty chứng khoán đã tạm khấu trừ, trên cơ sở đó cuối năm quyết toán. Bên cạnh đó, hình thức này đòi hỏi phải có sổ sách kế toán để xác định giá mua, giá bán... trong khi thực tế rất khó xác định lời lỗ, và nhà đầu tư thì thường mua một loại cổ phiếu tại nhiều mức giá khác nhau.
 
Cách này phù hợp với các nhà đầu tư lớn, giao dịch nhiều và liên tục. Cuối năm quyết toán, nếu đầu tư lỗ, họ không phải nộp thuế.
 
Chỉ còn một hình thức, nhà đầu tư nói gì?
 
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân như trên nhằm minh bạch chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách thủ tục hành chính.
 
Quả thực, với cách nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần thì sự vướng mắc trong thủ tục hành chính có phần ít hơn hẳn cách còn lại.
 
Qua trao đổi với một số nhà đầu tư, nhiều người thừa nhận không hề để ý đến khoản thuế thu nhập 0,1% tính trên mỗi lần bán cổ phiếu của họ.
 
Trước hết, để thuận tiện, các công ty chứng khoán thường tạm sử dụng cách thu thuế này đối với tài khoản của khách hàng nếu như khách hàng không có ý kiến. Bên cạnh đó, thói quen của các nhà đầu tư nhỏ là giao dịch mua bán rất nhiều lần và chỉ khi nhìn lại sao kê giao dịch mới không khỏi giật mình về số lần mua bán cổ phiếu.
 
Anh C.T – khách hàng của CTCK Bảo Việt cho biết quy định mới được thông qua không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của anh, vì từ trước đến nay, nhà đầu tư này vẫn sử dụng cách tính thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng và không thấy có gì là bất cập. Rất dễ tính, anh T nói: “Đóng thuế là nghĩa vụ nên tôi không thắc mắc.”
 
Điều mà nhà đầu tư này quan tâm nhất vẫn là sao kê tính lãi của các khoản vay margin vào cuối tháng.
 
Tuy nhiên, đó là những nhà đầu tư nhỏ. Đối với những nhà đầu tư lớn hơn, quy mô giao dịch mỗi lần tính bằng tiền tỷ thì 0,1% không còn là con số ít ỏi.
 
Anh N.T.H – khách hàng tại CTCK FPTS nhận xét, mặc dù phức tạp hơn nhưng hiện tại anh đang sử dụng cách đóng 20% trên thu nhập tính thuế. Anh cho rằng trong một giao dịch, mình đã phải chịu 2 lần phí giao dịch mua và bán cùng với lãi vay margin. Quy mô giao dịch mỗi lần của anh khá lớn nên nếu đóng thuế theo mức 0,1% thì tính ra, mức lợi suất thực tế mà anh được hưởng sẽ thấp đi.
 
Với quy định của pháp luật, anh H cho biết “phải tuân theo thôi”. Và có thể, anh sẽ hạn chế “lướt lát”, chuyển phần vốn lớn hơn cho đầu tư trung và dài hạn.
 
Tuy nhiên, theo anh H, quan trọng nhất của phương pháp 20% là tại thời điểm quyết toán thuế, nếu con số sổ sách cho thấy hoạt động đầu tư của anh đã lỗ, thì nhà đầu tư này không phải nộp thuế nữa.
 
Song, cũng chính vì lý do này cùng với sự phức tạp về thủ tục giấy tờ nên nhiều người đã lợi dụng để trốn thuế. Một môi giới chia sẻ, những hoạt động càng phức tạp về giấy tờ thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lách luật. Nhất là khi nhà đầu tư có thể mua bán một loại cổ phiếu ở nhiều mức giá khác nhau và một nhà đầu tư không chỉ đứng tên một tài khoản giao dịch hay không chỉ mua bán trên tài khoản mang tên của mình.
 
Bảo Ngọc
 
Theo Infonet

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015