Trái phiếu chuyển đổi: Vẫn “đắt như tôm tươi”!

Thời báo Kinh doanh- 25/11/2014

 

Giữa lúc khó khăn, một số DN vẫn huy động được cả nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ phát hành trái phiếu chuyển đổi. Còn bên mua (trái chủ) liệu có thể yên tâm khi khoản nợ vay trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu của DN không?

Việc lựa chọn kênh huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả bên bán và bên mua. Các đợt phát hành trái phiếu của DN đều có quy mô vài trăm, vài nghìn tỷ đồng, nhưng phần lớn đều “cháy hàng”. Có cán bộ tín dụng còn nói vui rằng: “Tín dụng ế ẩm, nhưng trái phiếu thì vẫn bán đắt như tôm tươi”!

 

Dễ vay nghìn tỷ

 

Mới đây, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. HCM (mã: CII) đã thông báo thực hiện chuyển đổi 1.081.846 trái phiếu (mệnh giá 1.000.000 đồng/TP) thành cổ phiếu CII với tổng giá trị trái phiếu hơn 1.081,84 tỷ đồng. Trong đó, đợt chuyển đổi đầu tiên sẽ được thực hiện vào ngày 23/11/2014 với giá chuyển đổi là 11.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:90,9, tức 1 trái phiếu được chuyển đổi thành 90,9 cổ phiếu. Còn 5 đợt chuyển đổi trái phiếu sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.

Nếu chuyển đổi thành công toàn bộ số trái phiếu này, CII sẽ phát hành thêm là 98,349 triệu cổ phiếu. Các nhà đầu tư có thể đăng ký chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ số trái phiếu sở hữu và không được hưởng lãi trái phiếu. Nếu lượng trái phiếu chuyển đổi của nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn của NĐT trong nước, dẫn tới đạt tỷ lệ “room” tối đa (49%) thì sẽ thực hiện theo phương án phát hành trái phiếu.

Trước đó, theo kế hoạch, CII dự kiến sẽ phát hành trái phiếu để huy động 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong quý ii/2014, CII đã chào bán 1.128.615 trái phiếu chuyển đổi với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm và không đảm bảo bằng tài sản. Số trái phiếu này được bán cho cổ đông hiện hữu với 100:1 (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 1 trái phiếu mệnh giá 1.000.000 đồng/TP).

 

Theo CII, số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi 1.200 tỷ đồng sẽ được phân bổ như sau: trả nợ gốc và lãi đến hạn của số trái phiếu phát hành năm 2007 (nợ gốc 500 tỷ đồng), đầu tư dự án BOT cao ốc 152 Điện Biên Phủ, Tp.HCM (450 tỷ đồng), góp vốn vào Công ty CP xây dựng hạ tầng CII (120 tỷ đồng), còn lại sẽ bổ sung vốn hoạt động... Riêng với dự án cao ốc 152 Điện Biên Phủ, tổng mức đầu tư lên tới 1.410 tỷ đồng nên CII sẽ phải huy động tới 70% vốn vay và 30% dùng nguồn vốn chủ sở hữu.

Về kế hoạch trả nợ trái phiếu, CII cho biết sẽ dùng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, tiền thu phí từ trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, trạm Cam Thịnh, trạm Bình Triệu, các nguồn vốn khác. Các nhà đầu tư có thể chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và CII sẽ phát hành lượng cổ phiếu tương ứng để tăng vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi.

 

Thu hồi có dễ?

 

Không chỉ CII, mà trong vòng 3 năm gần đây, khi tín dụng bị siết chặt kênh huy động vốn từ trái phiếu DN bỗng dưng nở rộ. Có không ít Tập đoàn, tổng công ty ngoài nhà nước đã tăng mạnh quy mô nợ vay dài hạn (trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi) gấp vài lần, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là các DN ở lĩnh vực đầu tư bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp…

Đơn cử: HĐQT Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) vừa lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với kỳ hạn 3-5 năm, lãi suất 12%/năm, giá chuyển đổi không thấp hơn 15.000 đồng/CP. Đợt phát hành này còn phải chờ Đại hội cổ đông bất thường thông qua. Tiền bán trái phiếu được dùng để đầu tư dự án khu công nghiệp.

Vingroup - Tập đoàn tư nhân hàng đầu về lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng đã huy động được nguồn vốn khổng lồ thông qua kênh phát hành trái phiếu. Tính đến ngày 30/9/2014, tổng dư nợ trái phiếu của Vingroup còn 13.300 tỷ đồng và 500 triệu USD trái phiếu. Trong số này, có 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, được phát hành từ năm 2012, không có tài sản bảo đảm, lãi suất cố định 5%/năm. Hiện, đã có 90,9 triệu USD nợ trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Vingroup.

Mặc dù trái phiếu là cách huy động vốn khả thi, song một số chuyên gia tài chính bày tỏ lo ngại với những khoản cho vay của ngân hàng “lách” dưới hình thức đầu tư vào trái phiếu DN sẽ dẫn tới rủi ro khó thu hồi vốn. Vì trái phiếu DN thường không có bảo đảm bằng tài sản, hoặc chỉ có bảo lãnh của ngân hàng mà NĐT “bơm” cả trăm, nghìn tỷ đồng mua trái phiếu sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro.

Đối với loại trái phiếu chuyển đổi, dù không có tài sản bảo đảm nhưng NĐT có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu của DN như một sự đảm bảo chắc chắn hơn về khả năng thu hồi nợ. Dù vậy, DN phải kinh doanh tốt hơn, có nguồn thu, lợi nhuận thì mới đảm bảo trả được nợ cho trái chủ, hay gia tăng lợi ích cho cổ đông. Nếu không, DN sẽ lại tiếp tục phát hành trái phiếu để “đảo nợ” trái phiếu đến hạn như thực tế đã xảy ra. Chưa kể, việc thực hiện chuyển đổi trái phiếu sẽ pha loãng cổ phiếu, giảm giá trị thị trường.

Đáng lo hơn, tiền bán trái phiếu thường gắn với việc phục vụ một dự án nhất định hoặc phân bổ vốn theo phương án phát hành trái phiếu. Song thực tế, không ít DN đã sử dụng vốn sai mục đích, đem tiền “chan” san các dự án khác, hoặc cho vay “lòng vòng” trong nội bộ, trả nợ ngân hàng… thì khó đảm bảo phương án trả nợ trái phiếu ban đầu.

-------------------------------

 

Ts. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội

 

Ở góc độ tích cực, đảo nợ có thể giúp DN giãn nợ, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thanh toán nợ cũ và có cơ hội thu hồi vốn. Vì thế, nếu đến thời hạn đáo nợ, DN không tìm kiếm được nguồn vốn khác thì chuyện đảo nợ bằng vốn trái phiếu có thể thông cảm được. Tất nhiên, sau đảo nợ, DN phải đảm bảo sản xuất kinh doanh tốt, có thể thu hồi vốn, trả nợ và có lãi. Đó là trường hợp DN phát hành minh bạch các khoản nợ và công khai mục đích đảo nợ. Còn trong trường hợp ngược lại, tức “mục đích một đằng, sử dụng một nẻo” thì cần nhìn nhận rằng việc đảo nợ sẽ đem lại rủi ro cho nhà đầu tư.

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A

 

Nhà đầu tư vẫn có thể đo lường mức độ rủi ro bằng lãi suất trái phiếu. Thông thường, lãi suất trái phiếu thấp hơn so với lãi suất đi vay ngân hàng. Vì thế, trường hợp lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất ngân hàng lại được dùng để trả nợ cho chính ngân hàng, nhà đầu tư sẽ gặp khá nhiều rủi ro. Nếu lãi suất trái phiếu DN cao hơn lãi suất khoản nợ đang vay thì DN chịu gánh nặng lớn hơn. Như vậy, tính thanh khoản trái phiếu của DN đó sẽ kém đi. Như vậy, cho dù phát hành nhằm mục đích gì thì cũng cần có vai trò giám sát của luật pháp và cơ quan quản lý nhà nước đối với quá trình phát hành và sử dụng vốn huy động từ trái phiếu của DN.

 

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Hiện tại, thông tin về thị trường trái phiếu DN còn phân tán, thiếu hệ thống và chưa được cập nhật, khiến giới đầu tư khó nắm bắt thông tin về thị trường. Đang có tình trạng thông tin về các đợt phát hành trái phiếu DN, chỉ có bên bán, bên mua, nhà tư vấn - môi giới nắm được thông tin, còn thị trường không biết loại trái phiếu đó xuất hiện khi nào, tồn tại ra sao. Điều này càng khiến cho thị trường kém minh bạch, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Phương Nga

Thời báo Kinh doanh

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015